Thúc đẩy mô hình HTX thuỷ sản
Ông Lê Viết Chữ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các hợp tác xã (HTX) theo mô hình này hoạt động và phát triển tạo thành chuỗi sản xuất từ dịch vụ đóng tàu, cung cấp nhiên liệu cho bà con. Đến nay, Quảng Ngãi đã thành lập được 7 HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ...
Ngư dân đóng tàu tại HTX dịch vụ và khai thác thuỷ hải sản xa bờ Nghĩa Phú |
Hỗ trợ cho mô hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn. Theo đó, các HTX được ưu tiên vị trí, địa điểm thuận lợi để xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh; miễn tiền sử dụng đất xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, các cơ sở dịch vụ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% tiền thuê trong thời gian 5 năm đầu và nhiều hỗ trợ khác...
Ngoài ra, đề án xây dựng và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2015 - 2020) cũng đã được HĐND tỉnh thông qua. Theo đề án, mỗi HTX có tối thiểu 20 thành viên và 20 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên tham gia khai thác hải sản xa bờ, tự nguyện đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Ông Trần Viết Minh, Giám đốc điều hành HTX dịch vụ và khai thác thuỷ hải sản xa bờ Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi) cho biết, mỗi năm HTX giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động ở địa phương. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển thủy sản, đặc biệt là việc thực hiện NĐ 67, nhờ đó mà ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn nhiều hơn, HTX cũng đã làm ăn ổn định hơn...
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, mô hình HTX dịch vụ và khai thác thuỷ hải sản xa bờ ở Quảng Ngãi cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, khó khăn lớn nhất hiện nay ở HTX dịch vụ và khai thác thuỷ hải sản xa bờ Nghĩa Phú là tình trạng, luồng lạch ở các cửa sông, bị bồi lấp nên tàu thuyền công suất lớn không thể về địa phương nên HTX chưa thể phát triển thêm dịch vụ cung cấp nhiên liệu xăng dầu, đá lạnh… cho bà con ngư dân.
Việc này cũng là ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm cho người dân ở địa phương. Ngoài ra, hầu hết các HTX dựa trên cơ sở đóng tàu hoặc kinh doanh ngành nghề khác có sẵn tại địa phương. Đa phần HTX thành lập chỉ mới có tên gọi, nhiều HTX còn tạm bợ…
Để thúc đẩy mô hình HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ phát triển ổn định, theo nhiều người, ngoài những cơ chế hỗ trợ từ chính quyền các HTX cũng phải nỗ lực tự thân vận động. Trong đó, chú trọng đến việc tập trung đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh, ngoài nhiệm vụ chính là đóng tàu, tổ chức đánh bắt hải sản… các HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ nên chú trọng đến việc hỗ trợ các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cụ thể như việc hỗ trợ ngư dân, bà con trong HTX công tác bảo quản thuỷ hải sản, sau đó phân loại rồi mới đưa ra thị trường. Điều này, giúp bà con ngư dân tránh được tình trạng tư thương ép giá.
Ngoài ra, các HTX phải làm tốt vai trò là “đầu mối”, sợi dây liên hệ giữa ngư dân với chính quyền, với cả ngân hàng. Thông qua, mô hình HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, khi các ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng tàu, hoặc vốn lưu động cũng yên tâm hơn khi có các HTX giới thiệu, giám sát, đứng ra quản trị tập trung… Ngư dân đỡ mất thời gian, ngân hàng cũng đỡ mất thời gian đi thẩm định, đây là một loại hình HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ có thể khai thác.