Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Sản xuất nông nghiệp theo hướng mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được Hà Nội quan tâm và đẩy mạnh phát triển, với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao cho năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân. Ngành NH đã và đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực này.
Đặc biệt với những thay đổi từ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đem đến nhiều cơ hội cho kinh tế nông thôn phát triển.
Trồng dưa cô nương trong nhà kính đảm bảo chất lượng nên giá bán ra khá cao |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, những năm gần đây, mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhưng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có nhiều thay đổi tích cực. Chính sách quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất, tạo điệu kiện cho các địa phương xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, ở Hà Nội đã hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự hỗ trợ của NH, người dân đã phát triển một số mô hình như trang trại trồng hoa lan trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ nuôi cấy mô, tưới phun sương tiết kiệm nước ở huyện Đông Anh.
Hay mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa theo quy trình công nghệ chuồng khép kín, có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, máng ăn, uống tự động tập trung ở các huyện Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Đan Phượng, Quốc Oai… đã cho sản phẩm chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để mở rộng các mô hình này rất cần sự phối hợp liên kết và hỗ trợ vốn của ngành NH. Thời gian qua nhiều TCTD, đặc biệt là Agribank đã tích cực đẩy mạnh vốn cho ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên vốn cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đại diện Agribank chi nhánh Đông Anh cho biết: Agribank luôn khẳng định vị trí đi đầu trong việc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Trong đó, tập trung đầu tư các dự án có hiệu quả, đặc biệt ưu tiên vốn cho các mô hình sản xuất theo công nghệ cao trên địa bàn...
Thực tế cho thấy, các dự án ứng dụng công nghệ cao đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người nông dân. Để tăng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đòi hỏi đầu tư vốn nhiều nên NH đã hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để người dân có thể yên tâm sản xuất.
Tuy nhiên, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kinh tế hộ một thời đã phát huy tác dụng rất tốt nhưng đến nay không còn phù hợp. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đang là những lực cản để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh và tham gia vào sân chơi chung của thế giới.
Nghị định 55 đã bổ sung thêm nhiều chính sách đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao như những dự án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao được vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 70 đến 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh. Hay trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được TCTD xem xét xử lý nợ như cơ cấu lại nợ, khoanh nợ và xóa nợ.
Với các chính sách này thì các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm hơn trong việc làm đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…
Người sản xuất cần NH hỗ trợ vốn để tăng quy mô, tăng “hàm lượng” công nghệ, nhưng nếu chỉ mình ngành NH thì không thể kỳ vọng có bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần hơn nữa công tác hỗ trợ của các ngành, các chính quyền địa phương trong các vấn đề như: phát triển các giống, cây trồng mới, năng suất chất lượng cao; xây dựng, áp dụng hệ thống chẩn đoán, kiểm định dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp; hay phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch…
Bên cạnh đó, các địa phương cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất lớn, hiện đại…
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Hà Nội, dự kiến đến 31/12/2015, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 1.207.747 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 65.299 tỷ đồng, tăng 19,73% so với 31/12/2014. |