Thuế tác động mạnh đến ngành xi măng
Xuất khẩu xi măng đối mặt thách thức | |
Thị trường xuất khẩu xi măng 7 tháng đầu năm 2016 và dự báo |
Từ 01/07/2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế có hiệu lực; Tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Điều này ngay lập tức có tác động mạnh đến ngành xi măng trong nước.
Các DN xi măng đang khó trong xuất khẩu |
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, xuất khẩu xi măng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi chi phí xuất khẩu của các DN xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/ tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/ tấn) và tăng 7,5 USD/ tấn xi măng (theo giá FOB bình quân 50 USD/ tấn). Giá xuất khẩu xi măng tăng lên, khi đó xi măng của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan.
Tính đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế ngành xi măng Việt Nam dự kiến khoảng 89 triệu tấn, tiêu thụ trong nước ước đạt 60 triệu tấn, xuất khẩu đang có xu hướng giảm, các nhà máy xi măng trong nước chưa thể hoạt động hết công suất.
Giai đoạn năm 2017 – 2020, công suất ngành xi măng sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án xi măng lớn đi vào vận hành. Tương lai ngành xi măng không mấy sáng sủa, các DN sản xuất sẽ khó khăn khi tiêu thụ xi măng trong nước không tăng đột biến, xuất khẩu xi măng và clinker sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Cụ thể, do nguồn lực tài chính hạn chế nên khi hàng tồn kho gia tăng, DN sản xuất dễ bị các đối tác ép giá bán do chịu áp lực phải giải phóng hàng tồn nhằm thu hồi vốn để tái đầu tư. Chất lượng xi măng và clinker xuất khẩu chưa đồng đều, một số DN chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng dẫn đến lô đạt yêu cầu, lô không đạt yêu cầu.
Cộng thêm việc phần lớn các nhà máy xi măng đều ở xa các cảng biển nên DN gặp nhiều khó khăn trong việc tìm các đối tác vận chuyển hàng hóa với chi phí hợp lý, vì xi măng và clinker là mặt hàng nặng, cồng kềnh. Không chỉ vậy, bản thân các DN trực tiếp tham gia xuất khẩu còn thừa nhận, vẫn có tình trạng đua nhau xuất khẩu dẫn tới bị khách hàng ép giá.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, khó khăn còn đến từ “quan điểm”, xuất khẩu xi măng hiện nay vẫn được coi là giải pháp tình thế nên các DN không có sự đầu tư dài hơi để xuất khẩu.
Với những khó khăn này, nhiều DN kiến nghị rằng, Nhà nước cần định hướng cho việc xuất khẩu xi măng lâu dài với khối lượng từng thời kỳ hợp lý, có như vậy mới khuyến khích DN có điều kiện xuất khẩu đầu tư về khai thác thị trường, phương tiện logistic... lâu dài. Việc điều tiết của Nhà nước sẽ được thực hiện bằng thuế.
Ví dụ, khi nguồn cung cân bằng hoặc thiếu so với nhu cầu, có thể áp dụng thuế xuất khẩu 5-10%. Cần phải xác định xuất khẩu xi măng là giải pháp lâu dài chứ không còn là giải pháp tình thế, để từ đó bố trí một lượng xuất khẩu nhất định từ 10-15% kể cả trong lúc cung cầu trong nước bình thường.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh, hoãn áp dụng các nghị định, chính sách thuế đối với mặt hàng xi măng và clinker xuất khẩu để các DN có thời gian chuẩn bị, ông Tới nhấn mạnh.