Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội: Góc nhìn từ một nhà báo quốc tế
Sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên | |
Phát hành bộ tem chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều |
Ông José Carlos Matias |
Đó là nhận định được ông José Carlos Matias, Tổng biên tập trang tin http://www.plataformamacau.com trao đổi với Thời báo Ngân hàng trong thời gian tham dự đưa tin về hội nghị này.
Ông có thể cho biết cảm nhận của mình về Hà Nội và người dân nơi đây?
Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và vừa đến hôm qua thôi nhưng đã kịp đi ăn ở quán bún chả nơi Tổng thống Mỹ Obama trước đây đã đến ăn khi ông ấy thăm Việt Nam năm 2016. Bún chả rất ngon. Tôi rất vui khi tới Việt Nam lần này. Dù mới tới Hà Nội nhưng tôi đã tận hưởng được không khí dễ chịu của Hà Nội, đã cảm nhận được phần nào sự thân thiện và gần gũi của người dân tại Thủ đô của các bạn.
Chắc chắn trong tương lai và hy vọng là ngay trong năm nay thôi, tôi sẽ có dịp quay lại Việt Nam cùng với gia đình của mình trong một kỳ nghỉ, một chuyến du lịch để được đi tới nhiều nơi của Việt Nam, được tận hưởng vẻ đẹp Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về Trung tâm báo chí, như thấy còn có bất tiện gì hay cần hỗ trợ gì thêm không?
Cho đến lúc này tôi thấy trung tâm hoạt động tốt và không cần hỗ trợ thêm gì. Hơn nữa tôi thấy Trung tâm báo chí có khung cảnh bên ngoài rất rộng và đẹp nên thuận tiện cho các nhà báo hình, báo ảnh tác nghiệp.
Đến Việt Nam tham dự đưa tin, ông mong chờ gì từ hội nghị lần này?
Lần trước tôi đã đến Singapore để đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 và lần này may mắn lại được cử tham dự lần Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội để một lần nữa nhìn xem sự kiện lịch sử này biến chuyển như thế nào. Tức là trong gần 1 năm qua, tôi đã có cơ hội theo dõi vấn đề này. Điều rất đáng ngạc nhiên là lãnh đạo của hai nước có thể ngồi lại với nhau như vậy. Nhưng kết quả từ hội nghị lần 1 tại Singapore cho thấy các vấn đề đạt được khá chung chung và không cho thấy rõ được các bước đi đã hoặc sẽ được hai bên thực hiện như thế nào.
Vì thế điều mà tôi mong đợi ở Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 này là một lộ trình (roadmap) cho vấn để phi hạt nhân hóa và cho vấn đề bình thường hóa quan hệ. Vì thế tôi cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore quan trọng vì là bước khởi đầu, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội này thậm chí sẽ còn quan trọng hơn về mặt các kết quả cụ thể sẽ đạt được chứ không chỉ mang tính tượng trưng như Hội nghị Thượng đỉnh lần 1.
Tôi rất kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội sẽ ghi nhận sự chuyển động thực sự, có các hành động thực sự, nhờ đó có thể tạo ra hòa bình trong khu vực. Điều này rất quan trọng và tốt cho tất cả mọi người, dù không dễ dàng.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong tổ chức sự kiện lần này?
Đây là một lựa chọn tốt. Việc chọn Việt Nam rất có ý nghĩa bởi nhiều yếu tố: Cả về lịch sử Việt Nam với những gì diễn ra trong quá khứ cũng như một Việt Nam hiện tại. Trong quá khứ, Việt Nam có những vấn đề với Mỹ, đặc biệt là trải qua một cuộc chiến tranh. Nhưng quan hệ Mỹ - Việt Nam trong những năm qua có những tiến triển vượt bậc. Và việc Hội nghị Thượng đỉnh lần này được tổ chức ở Hà Nội là sự khẳng định Việt Nam ở vị thế một nước đối tác cho hòa bình và phát triển và tôi nghĩ điều này là rất tốt, rất quan trọng cho hình ảnh của đất nước các bạn.
Dù không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng tôi nghĩ ông Chủ tịch Kim Jong-Un cũng như đất nước Triều Tiên cảm thấy thoải mái với Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam từng có thời kỳ chiến tranh, đất nước bị chia cắt nhưng sau đó dần dần đã thống nhất được đất nước. Bán đảo Triều Tiên thì hiện chưa thống nhất nhưng rất có thể một ngày nào đó điều này cũng sẽ diễn ra.
Ngoài ra, có một thực tế là Việt Nam cũng là một nước XHCN giống như Triều Tiên và Việt Nam đã quản lý tốt đất nước, mở cửa với thế giới và theo đuổi các cải cách kinh tế. Tôi nghĩ quy mô nền kinh tế Việt Nam lại khá tương đồng, nên sẽ rất tốt cho Triều Tiên nếu họ đa dạng hóa được các mối liên kết quốc tế.
Xin cảm ơn ông!