Thương mại điện tử: Cảnh báo đằng sau sự bùng nổ
Thương mại điện tử: Khi người khổng lồ thao túng | |
Mua hàng trong lòng bàn tay |
Tăng trưởng “cấp số nhân”
VNPAY QR và Sendo có lẽ là hai thương hiệu “chịu chơi” nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) thời gian gần đây. Xuất hiện trên chương trình Táo Quân dịp tết rồi, một trong những chương trình nhiều người xem nhất của truyền hình Việt Nam, 2 thương hiệu nói trên cho thấy họ đang có một chiến lược quảng bá mạnh mẽ trong năm 2018.
TMĐT là “địa hạt” kinh doanh đang phát triển rất nhanh |
Hoạt động quảng bá nói trên rõ ràng đang nhắm đến một thị trường TMĐT đầy tiềm năng, phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Các nguồn số liệu và dự báo về TMĐT ở Việt Nam cho thấy sự phát triển đang ở mức độ “cấp số nhân”. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2018 được công bố mới đây cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%. Riêng với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu lên tới 35%.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) thì cho biết khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62-200%. Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Dự báo về triển vọng thời gian tới, Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như sẽ được vượt qua rất nhanh, do tốc độ tăng trưởng thực tế cao hơn dự báo trước đó. Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) thì cho biết doanh số thanh toán điện tử ở Việt Nam năm 2017 đã lên tới 6,14 tỷ USD và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022, lên 12,33 tỷ USD.
Đón đầu sự tăng trưởng vượt bậc của TMĐT, nhiều DN đang xây dựng chiến lược “bành trướng”. VNG đang dự định cài đặt các thiết bị đầu cuối cho dịch vụ thanh toán điện tử ZaloPay của mình tại 1.000 địa điểm trong năm 2018. M-Service tính toán tăng số lượng thuê bao dịch vụ thanh toán trực tuyến MoMo lên 50 triệu từ nay đến năm 2020. Nhiều NH như Vietcombank, BIDV, TPBank, VPBank… phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến dựa trên mã QR.
Dường như hoạt động TMĐT đang có những bước đi “Thánh Gióng” trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ - nền tảng quan trọng cho giao dịch của thị trường này. Và nhờ các công cụ hỗ trợ thanh toán, giao dịch trực tuyến trên các “chợ điện tử” thuận lợi hơn bao giờ hết.
Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo, Hotdeal, Zalora, Tiki, Adayroi... hay trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, thậm chí qua chương trình quảng cáo trên ti vi (tiến hành giao dịch qua điện thoại).
Tiềm ẩn rủi ro
Tuy nhiên, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) mới đây đã phác họa bức tranh toàn cảnh về những rủi ro, vi phạm trong hoạt động TMĐT. Cơ quan này liệt kê, đó là các rủi ro: hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo; nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; rủi ro về thời gian giao hàng, hàng nhận được bị vỡ, hỏng, mất…
Về phía các đơn vị, DN tham gia thị trường TMĐT, Cục Quản lý cạnh tranh cũng xác định được một số vi phạm điển hình, như: thông tin sai về xuất xứ hàng hóa, giá cả; không cung cấp hóa đơn, chứng từ giao dịch; giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; hủy đơn hàng không lý do… Đặc biệt, cơ quan này còn cảnh báo các hành vi lừa đảo trong hoạt động TMĐT.
“Trong hoạt động TMĐT, người tiêu dụng bị xâm phạm quyền lợi rõ ràng nhất là khi giao dịch với các tổ chức cá nhân có chủ đích lừa đảo, đặc biệt là qua mạng xã hội như facebook, zalo… Người tiêu dùng chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc qua trang mạng xã hội. Khi trả tiền xong, người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc nhận hàng hoàn toàn khác so với quảng cáo (ví dụ: mua điện thoại nhưng nhận được hộp đựng một viên gạch…).
Sau khi bán hàng, người bán lập tức chặn điện thoại, facebook của người mua… Thậm chí, khi lượng người tiêu dùng khiếu nại lớn hoặc cơ quan quản lý vào cuộc, người bán lập tức bỏ số điện thoại, tài khoản facebook…”, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý.
Theo đó, cơ quan quản lý khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản, đặc biệt là về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…; tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng. Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ, quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình;
Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm…