Logistics với thương mại điện tử
DN logistics Việt: Học hỏi để phát triển | |
Thu hẹp khoảng cách với các DN ngoại | |
“Đánh thức” tiềm năng doanh nghiệp logistics |
Theo sự phát triển chung, các phương thức giao hàng của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã ngày càng rút ngắn thời gian. Xu hướng phát triển TMĐT ngày càng rõ nét. TMĐT tới đây sẽ là tất yếu, giống như nước, như điện đối với đời sống. Vì vậy TMĐT chỉ có thể phát triển khi logistics điện tử phát triển và nó sẽ giúp giải bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.
Ông Trần Đình Toản, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu, TMĐT cho biết, năm 2017, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt trên 25% và tốc độ có thể được duy trì trong ba năm tiếp theo 2018-2020.
Dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình |
Ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc trung tâm xử lý đơn hàng điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn) cũng cho biết, tại Việt Nam, TMĐT cũng như ngành bán lẻ được xem là miếng bánh béo bở của các NĐT. Năm 2017 có 57, 86 triệu người sử dụng internet. Dự kiến năm 2020, tổng số người dùng internet sẽ vượt con số trên. 91% người dân tại Việt Nam đã sử dụng smart phone, thay đổi hoàn toàn thị hiếu cũng như hình thức mua hàng online của người dân Việt Nam. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam hàng năm từ 23-25%, có năm tới 35%. Việt Nam nằm trong TOP các nước có sự phát triển TMĐT đứng đầu thế giới, tốc độ này vượt xa các nước có công nghệ nổi trội.
“Chúng tôi cũng nhìn nhận được xu hướng mới lên ngôi là mô hình bán hàng đa kênh trong năm 2017. Nhiều DN đã đầu tư rất mạnh vào chuỗi cửa hàng online và offline. 73% người tiêu dùng sẽ tìm kiếm hàng hóa trên internet và 13% trong số đó sẽ quyết định mua hàng online. Phương thức hoạt động của các kênh online ngày càng hấp dẫn”, ông Thuật cho biết.
Cũng theo khảo sát của Sendo, 40% giao hàng chậm cho thấy vai trò rất lớn của logistics đối với TMĐT. Lo lắng của TMĐT không nằm ở độ an toàn mà nằm ở chi phí cho dịch vụ logistics. Nhiều khách hàng cho biết, sẵn sàng bỏ tiền ra để nhận được hàng nhanh nhất.
“Trên các thị trường lớn, các DN lớn như amazon, alibaba đầu tư hàng tỷ USD vào TMĐT. Trong khi ở Việt Nam kinh nghiệm logistics còn non trẻ, chúng tôi hoàn toàn phải phụ thuộc vào bên thứ 3. Năng lực của các nhà vận chuyển Việt Nam còn thấp, khả năng kết nối giữa các vùng miền chưa đạt được như kỳ vọng. Đây là áp lực cho các DN TMĐT”, ông Thuật nói và cho rằng, để giảm được chi phí logistics, tổng đơn hàng phải cao may ra mới bù được chi phí trong các phương thức thu tiền tận nơi.
Bộ Công thương cũng nhận định, logistics và TMĐT đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Sự kết hợp của 2 lĩnh vực này tạo ra một ngành kinh doanh mới, đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ngay cả Việt Nam nó đang thu hút sự quan tâm của nhiều DN, NĐT và những người khởi nghiệp. Doanh số của ngành kinh doanh này cũng tăng trưởng mạnh mẽ. TMĐT muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.
Qua khảo sát của Bộ Công thương với các DN và các đối tượng liên quan đến logistics và TMĐT trên phạm vi cả nước, những khó khăn lớn tác động tới sự phát triển logistics và TMĐT là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và nguồn nhân lực. Logistics phục vụ TMĐT cũng gặp những khó khăn tương tự. Bên cạnh đó, công nghệ cũng có vai trò tác động không nhỏ tới việc phát triển của 2 lĩnh vực này. Kết quả khảo sát cho thấy từ năm 2015 đến nay, dịch vụ logistics và chuyển phát ở Việt Nam mặc dù đã phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của TMĐT.
Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống. Đồng thời, chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao. Cũng theo khảo sát của Bộ Công thương về những trở ngại trong mua sắm trực tuyến, có tới 40% người tiêu dùng cho biết giá mua trực tuyến không thấp hơn so với mua trực tiếp.
Một nguyên nhân quan trọng là DN TMĐT phải tự triển khai dịch vụ giao hàng. Cũng theo kết quả khảo sát trên, có 38% người tiêu dùng đánh giá dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, gây tâm lý e ngại về thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó truy tìm định vị hay trả lại hàng đã mua. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc mua hàng trực tuyến chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng và do vậy logistics cho TMĐT cũng chưa thể phát triển đúng như kỳ vọng.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho rằng, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ sự phát triển của TMĐT đang là yêu cầu cấp bách. Ở Việt Nam, các DN logistics và DN TMĐT phần lớn là DNNVV, quy mô hoạt động còn chưa lớn, tính chuyên nghiệp chưa cao và đặc biệt là chưa có sự liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng.
Việc thiếu liên kết giữa DN TMĐT và DN logistics là một điểm yếu của TMĐT Việt Nam và cũng làm mất đi cơ hội của DN logistics. Một số DN có thể tạo nên sự liên kết bước đầu, nhưng sự thiếu chuyên nghiệp, không đánh giá hết vai trò của công nghệ là nguyên nhân làm hiệu quả hợp tác chưa cao.
“Việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là những mệnh lệnh sống còn đối với DN logistics và DN TMĐT. Chính vì vậy, các DN này cần chủ động bắt tay với nhau, xác định tăng trưởng của DN này cũng là tăng trưởng của DN kia và ngược lại. Bên cạnh đó, các hiệp hội liên quan tới TMĐT, logistics cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và chuyển phát ở địa phương cũng cần thống nhất triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự liên kết kinh doanh giữa các DN này để chiếm lĩnh lòng tin khách hàng và giảm chi phí. Có như vậy mới có thể thúc đẩy 2 lĩnh vực cùng phát triển”, ông Khoa cho hay.