Tiềm năng gió chưa được tận dụng
Điện gió và tiềm năng | |
Điện gió chùn bước đầu tư |
Không có lãi
Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Các dự án điện gió khó có lãi vì giá điện bán ra thấp |
Tuy nhiên, đến nay công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW, còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020, đồng thời số dự án điện gió có lãi chỉ đếm trên “đầu ngón tay”.
Đại diện dự án điện gió Phú Lạc (CTCP Phong điện Thuận Bình) cho biết, tính tới thời điểm này Phú Lạc đã vận hành được 20 tháng, tuy nhiên vẫn chưa có lãi. Riêng CTCP Phong điện Thuận Bình thành lập 9 năm nay chưa chia một đồng cổ tức nào cho cổ đông.
Theo ông Dương Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng, Sở Công nghiệp Bình Thuận, 10 năm qua các dự án điện gió tại đây không phát triển như mong muốn, do chưa có một cơ chế chính sách về năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thừa nhận, việc đưa điện gió vào thực tiễn còn hạn chế vì nhiều lý do, trong đó khó khăn nhất là giá điện gió chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư cho rằng, hiện nay giá bán điện gió ở Việt Nam còn khá thấp, cụ thể là 9,97 cent/kWh cho điện gió xa bờ và 8,77 cent/kWh cho điện gió trên bờ, điều này khiến nhà đầu tư khó có lãi.
Hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu đưa ra giá điện gió hợp lý, đảm bảo cân bằng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới, ông Thành khẳng định.
Chuẩn hóa hợp đồng
Ông Bùi Vĩnh Thắng, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream cho biết, hiện nay cơ chế đầu tư điện gió vẫn còn những hạn chế như bất cập trong hợp đồng mua bán điện (PPA). Trong đó, rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên rất khó để có thể huy động vốn.
Ví dụ hợp đồng dự kiến là cung cấp điện trong 20 năm cho bên mua (tại Việt Nam chỉ duy nhất EVN có quyền mua điện), nhưng lại có điều khoản rằng bên mua có thể và được phép huỷ hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đó và chỉ phải bồi thường một năm tiền điện trước đó.
Đây rõ ràng là rủi ro quá lớn. Hợp đồng PPA nên quy định tùy theo điều kiện khách quan hoặc chủ quan, EVN chỉ nên có quyền tạm dừng mua điện của nhà máy trong một khoảng thời gian bất kỳ, ông Thắng kiến nghị.
Các nhà đầu tư cho rằng hợp đồng PPA là một vấn đề Việt Nam cố gắng giải quyết trong nhiều năm qua nhưng chưa có tiến triển. Thời gian tới, cần xử lý quyết liệt hơn.
Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) kiến nghị, hợp đồng PPA cần được chuẩn hóa. Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của điện gió. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là điều cần thiết để giảm rủi ro và chi phí vốn.
“PPA vẫn cần được tinh chỉnh hơn nữa để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận và để công suất phát điện sử dụng năng lượng gió ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng cao”, GWEC cho biết.
Đồng thời, quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể cũng là rất quan trọng để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư, cũng như tối đa hóa tăng trưởng ngành.
Ngành điện gió Việt Nam đã sẵn sàng để tăng trưởng mạnh mẽ. Một ngành công nghiệp mạnh tầm quốc gia cần có một hiệp hội ngành đủ mạnh để hỗ trợ phát triển. Hiệp hội Điện gió quốc gia có thể giữ vai trò chèo lái chính trong các sáng kiến lập pháp và góp phần giúp Chính phủ hỗ trợ ngành, đồng thời thúc đẩy đối thoại trực tiếp trong mô hình Hợp tác công - tư, tạo cơ sở hợp tác phù hợp với năng lực của các bên. Hiệp hội đồng thời cũng là đầu mối để ngành tương tác với Chính phủ.