Tiền: Để dành sao đúng cách
Để bảo toàn vốn hiệu quả nhất | |
Gửi tiết kiệm vẫn được quan tâm | |
Tiết kiệm cho trẻ em: Đảm bảo tài chính cho tương lai |
Bà Sen (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết, con cái bà đi nước ngoài từ trước năm 1975. Sau nhiều năm lăn lộn, bây giờ 3 đứa con đã ổn định và có của ăn của để ở nước ngoài. Thế nên, mỗi năm, bà nhận được một khoản tiền không nhỏ từ ba đứa con gửi về Việt Nam cho vợ chồng bà dưỡng già.
Vì gia đình bà ở Việt Nam cũng có buôn bán nhỏ, nên số tiền con cái gửi về bà cũng không xài đến. Theo đó, số tiền dành dụm tổng cộng cũng được gần 45.000 USD. Điều đáng nói là bà vẫn giữ số tiền đó như một tài sản để dành ở nhà, không gửi NH cũng không đầu tư.
Các NH luôn là nơi tạo ra lợi ích trên đồng tiền cho người dân |
Trên thực tế, những người như bà Sen không hiếm ở Việt Nam, vì họ đã có tuổi và tư tưởng của họ là muốn an nhàn, không muốn lăn xả đầu tư như những người trẻ. Theo đó, số tiền nhận được từ nước ngoài về họ chỉ để dành trong két sắt như một tài sản không cần dùng tới.
Nếu xét theo số liệu mà NHNN chi nhánh TP. HCM thống kê, chỉ tính riêng lượng kiều hối gửi về trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm ước đạt trên 2,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, tăng tới 14% so với tháng trước.
Diễn biến dòng kiều hối thường phụ thuộc vào thu nhập của người lao động ở nước ngoài, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và các dịch vụ thu hút kiều hối. Trong giai đoạn 2011 - 2015, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. HCM đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 - 12%. Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam trong năm qua với 12 - 14 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay.
Như mọi năm, NHNN chi nhánh không thống kê được tỷ lệ số tiền kiều hối gửi về đi đầu tư được bao nhiêu? Nhưng vị lãnh đạo trên chắc rằng số lượng tiền gửi về để dành là không nhỏ.
Theo một số chuyên gia, điều này quả thực là lãng phí vì tại Việt Nam đang có rất nhiều kênh giúp tiền đẻ ra tiền mà vẫn an toàn. Đơn giản nhất theo một chuyên gia ngân hàng, kênh tiết kiệm VND lúc này luôn có ưu thế tương đối so với USD. Thứ nhất, để bảo vệ giá trị tiền đồng, Nhà nước có những chính sách không khuyến khích người dân dự trữ USD. Theo đó, lãi suất huy động tiền VND luôn đảm bảo được lợi ích cho người gửi tiền.
Chưa kể, gần đây, các ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm trước áp lực dư nợ tín dụng có xu hướng gia tăng, cũng như để đáp ứng lộ trình tái cơ cấu nguồn vốn theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2017. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã nhích dần trong thời gian qua và được dự báo sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm 2016.
Theo đó, các ngân hàng đang nỗ lực để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng dần vào cuối năm. Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của VietCapital Bank được điều chỉnh tăng 0,1%/năm, lên 7,1%/năm từ ngày 5/9; còn kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm khi khách gửi 18 tháng.
Eximbank áp dụng hình thức tặng quà, trong khi lãi suất các kỳ hạn cũng cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường từ 0,3-0,4%/năm. VPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới, áp dụng từ ngày 1/9, tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn, trong đó mức lãi suất niêm yết cao nhất là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng. VietA Bank áp mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng USD thì người dân có thể cân nhắc việc đổi USD ra tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt hơn. Chẳng hạn, với số tiền 45.000 USD của bà Sen nếu gửi ngân hàng thì hiện nay, mức lãi suất tiết kiệm bằng VND khoảng 6-7%/năm, số tiền lãi quy ra lên cả trăm triệu đồng.
Ngược lại, với những người có tâm lý muốn đầu tư, có thể chú ý rằng lượng kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường BĐS sau một thời gian dài lĩnh vực này đóng băng và giao dịch trầm lắng nên các kiều bào bắt đầu nhìn thấy cơ hội.
Kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, cả nước đã có hơn 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có TP. HCM. Việc kiều bào có nhà tại quê hương chính là điều kiện cơ bản để họ có thể thường xuyên về nước mang theo những tích lũy kiều hối nơi xứ người…
Như vậy, ngoại trừ trường hợp người dân có nhu cầu dùng USD cho việc đi chữa bệnh, đi du lịch hoặc gửi tiền cho con học tập ở nước ngoài... có thể tự cân nhắc lại. Với người có kiều hối, sau nhiều năm không quan tâm đến chuyện sinh lợi thì nay có thể tính đến chuyện gửi tiền đồng để tránh thiệt thòi. Vì mức lãi thu về sẽ cao hơn gần 8 lần so với gửi USD. Hoặc như đã nói ở trên, việc đầu tư vào BĐS cũng là một kênh khá hiệu quả.