Tín dụng nới nhưng không để lỏng
Tín dụng tăng tốc về đích | |
Nới “vòng kim cô” để hỗ trợ tăng trưởng | |
Kịch bản mới cho tăng trưởng tín dụng |
Cung tín dụng đã sẵn sàng
Gần đây thị trường tập trung khá nhiều vào vấn đề tăng trưởng tín dụng (TTTD) của hệ thống NH. Sự chú ý đó không chỉ từ con số TTTD khá ấn tượng của hệ thống NH trong vòng 6 năm trở lại đây (khi đến hết tháng 8/2017, tín dụng tăng 11,03% so với cuối năm ngoái) mà còn do Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng đưa TTTD năm nay lên mức 21 – 22% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7%. Đây là chỉ tiêu TTTD cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Vậy khả năng đáp ứng yêu cầu vốn của hệ thống NH hiện nay ra sao?
Trong nửa đầu năm, nhiều NH đã sử dụng gần cạn, thậm chí dùng hết chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao. Ví dụ, TTTD của VIB đạt 15,7% trên chỉ tiêu 16% cho cả năm 2017; HDBank tăng gần 18% trên chỉ tiêu 20%... Các NH có vốn Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank ở trình trạng tương tự. Cụ thể, 8 tháng đầu năm Vietcombank đạt 13,86% trên chỉ tiêu 16%.
Trước tình hình tín dụng tăng khá tốt, để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho khách hàng những tháng cuối năm, nhiều NH đã nộp đơn đề nghị NHNN nới room tín dụng. Đến thời điểm này, theo tìm hiểu của phóng viên, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho khoảng 36 TCTD như OCB tăng từ 14% lên 22%, VIB tăng từ mức 16% được cấp đầu năm lên 24%; ACB từ 16% lên 20%... Hầu hết NH, kể cả khối ngoại cũng xin thêm hạn mức TTTD…
NH tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, an toàn |
Cơ sở để NHNN chấp thuận điều chỉnh room tín dụng cho các TCTD được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ: thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong điều hành tín dụng, NHNN luôn đảm bảo nguyên tắc thận trọng cũng như linh hoạt để xem xét TTTD phù hợp thực tế, đảm bảo tránh bất lợi đến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như an toàn hoạt động của các TCTD trong năm 2017 và các năm tiếp theo. NHNN đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD để mở rộng tín dụng có hiệu quả theo hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ đồng thời hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản.
Với kết quả TTTD toàn hệ thống NH trong 8 tháng đầu năm, nếu so với chỉ tiêu định hướng của Chính phủ thì từ nay đến cuối năm, tín dụng cần tăng thêm khoảng trên dưới 10%. Từ kinh nghiệm các năm trước đây, các NHTM cho rằng, trung bình mỗi tháng cuối năm toàn hệ thống NH bao giờ cũng có mức TTTD từ 2-3%. “Với tốc độ tăng này, 4 tháng còn lại trong năm nay hệ thống NH sẽ đảm bảo đạt TTTD ở mức 21-22% như định hướng của Chính phủ”, một lãnh đạo NH nhận xét.
Tăng có chọn lọc
Trước diễn biến thực tế, không ít chuyên gia cho rằng, mục tiêu TTTD 21 - 22% không khó để đạt được. Nhưng mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Bàn về vấn đề TTTD, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh lo ngại, khi đặt mục tiêu TTTD quá cao thì không thể kén chọn nhiều khách hàng có mức độ tín nhiệm cao nữa. Như vậy ảnh hưởng đến chất lượng của khoản vay, có thể hình thành nợ xấu trong tương lai. “Chúng ta đã rất vất vả xử lý nợ xấu trong thời gian này, vì vậy chúng ta phải rất đề phòng khả năng gia tăng nợ xấu trong tương lai. Tôi nghĩ TTTD quá cao là không cần thiết vừa gây áp lực lên lạm phát, vừa gây áp lực lên nợ xấu. Chúng ta phải rất cân nhắc ở thời điểm này”, ông Linh bày tỏ lo ngại.
Có chung sự quan ngại trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các tổ chức quốc tế đang khá quan ngại với mức TTTD 22% và dòng tiền chảy vào đâu. Theo vị chuyên gia này, TTTD chỉ nên ở mức 2,5 lần GDP khoảng 18% là phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế.
Cũng có ý kiến đặt ra khi các NH được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì liệu thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn hay không. Về vấn đề này, theo phân tích tại báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tháng 8, thanh khoản của hệ thống NH nhìn chung vẫn khá dồi dào, bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp, chỉ tăng nhẹ, hoạt động trên thị trường mở vẫn khá trầm lắng. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của KBNN tại NHTM là khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm cũng là nguồn tiền bổ sung cho thanh khoản hệ thống, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chưa thể tăng tốc thật nhanh.
Ở phía người trong cuộc là các NH, dù được điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, nhưng lãnh đạo các NH vẫn tỏ ra thận trọng siết chặt chất lượng, không để nợ xấu phát sinh. Phó Tổng giám đốc Vietcombank bà Đinh Thị Thái cho hay, NH này luôn hướng tới công tác quản trị rủi ro một cách bài bản và làm sao đảm bảo sự phát triển bền vững của NH. Chính vì vậy, NH kiểm soát rất chặt tín dụng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đó không phát sinh nợ xấu trong tương lai. “Những lĩnh vực có hiệu quả và an toàn đảm bảo có khả năng thu hồi vốn thì Vietcombank mới cấp tín dụng”, bà Thái khẳng định.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng, thời gian qua, để tín dụng tăng trưởng tốt, OCB cũng phải nỗ lực đưa ra các giải pháp cải tiến sản phẩm dịch vụ cho phù hợp với từng nhóm khách hàng trong các giao dịch với NH. Đơn cử, OCB sẵn sàng cho vay tín chấp với những công ty mới tham gia thị trường nếu có tình hình tài chính tốt, sản phẩm có đầu ra trên thị trường đáp ứng các nhu cầu trong đời sống sản xuất, dân sinh. Hoặc những DN đã định hình trên thị trường nhưng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu thấp cũng là những nhóm khách hàng NH theo đuổi để cho vay. “Dù tham vọng thúc đẩy TTTD nhưng thực tế thị trường kinh doanh hiện nay không dễ dàng. Nguyên tắc cung tín dụng của OCB là thuận lợi cho khách hàng nhưng đảm bảo hiệu quả kinh doanh an toàn cho NH”, ông Tùng cho biết thêm định hướng TTTD của NH.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Thanh Hà: Tiếp tục theo dõi sát tình hình TTTD Việc điều chỉnh chỉ tiêu TTTD cho các TCTD, NHNN căn cứ vào nhiều nhóm tiêu chí để thực hiện. Nhóm tiêu chí thứ nhất, NHNN căn cứ vào quy mô cũng như khả năng mở rộng tín dụng. Chất lượng, cơ cấu tín dụng, xu hướng TTTD trong những tháng cuối năm cũng là tiêu chí để NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng. Nhóm tiêu chí thứ 2 là chấp hành tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD. Ngoài ra, NHNN căn cứ vào hệ số sử dụng vốn và một số yếu tố khác trong quá trình điều chỉnh chỉ tiêu TTTD của các TCTD. Trong những tháng cuối năm 2017, NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình TTTD để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng hiệu quả, đồng thời xử lý khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đại biểu Quốc hội TS. Trần Hoàng Ngân: Vẫn còn lực cản Hoạt động cho vay bao giờ cũng đi liền với rủi ro. Cũng như vậy, mở rộng TTTD không tránh khỏi nguy cơ rủi ro mới phát sinh. Vấn đề là làm sao kiểm soát được rủi ro đó. Theo quan điểm của tôi, đầu tiên phải quán triệt trong hoạt động kinh doanh đồng thời tổ chức trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ tín dụng đề phòng rủi ro, tránh lặp lại rủi ro trong quá khứ. Thứ hai, ưu tiên nguồn vốn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng mang tính chất đầu cơ như cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản... Nhưng, muốn TTTD như mục tiêu đặt ra theo tôi, không phải dễ. Lực cản của nó là sức hấp thụ vốn, điều kiện được vay. Hiện nay, các DNNVV có thể thoả mãn các tiêu chí vay của NH rất ít. Dù NH cũng rất muốn cho vay vì họ là trung gian tài chính nhưng làm thế nào cho vay đồng vốn quay trở lại NH, đảm bảo an toàn hệ thống thì đòi hỏi người vay phải thoả mãn những điều kiện vay, tiêu chí vay. Nếu chưa đủ điều kiện, DN muốn vay được thì họ cần phải có sự hỗ trợ của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV để bù đắp sự thiếu hụt này. Nhưng vai trò Quỹ này khá mờ nhạt. Thời gian tới, để hỗ trợ DNNVV tiếp cận được vốn cần phải nhanh chóng đưa Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hiện tại các văn bản chính sách cụ thể hóa Luật này vẫn đang khá chậm chạp. Ngoài ra, các quỹ bảo lãnh sớm được củng cố cả về nhân lực nguồn lực để có thể chia sẻ rủi ro trong hoạt động cho vay. |