Tín dụng: Tăng lượng phải tăng cả chất
Tín dụng hỗ trợ tiêu dùng | |
Tăng trưởng tín dụng 2017 ra sao? | |
Tín dụng tăng tốc về đích |
Trong tuần qua, truyền thông cũng như dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 8 với một số nhiệm vụ quan trọng dành cho ngành Ngân hàng.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu NHNN phải điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Ảnh minh họa |
Với việc yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất, mở rộng quy mô tín dụng, giới chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ có thể sẽ được nới lỏng hơn trong thời gian tới, trước mắt là từ nay tới cuối năm 2017. Bởi vì, việc giảm lãi suất sẽ kích thích người vay và hướng đến đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, sau đợt giảm lãi suất 0,5% hồi tháng 7 đối với lĩnh vực ưu tiên thì với con số tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 8/2017 ở mức trên 11% so với cuối năm 2016 đã cho thấy điều đó. Và với quy luật, tính thời vụ của cung/cầu vốn, tín dụng cuối năm sẽ tăng cao hơn đầu năm. Do vậy, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 20% là có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng là một chuyện, quan trọng nữa là chất lượng tín dụng thế nào? Hiện cũng đã có ý kiến lo ngại rằng, tăng trưởng tín dụng 20%, hay cao hơn nữa là 21% như chỉ đạo của Chính phủ và với mức lãi suất hiện nay, thì dòng vốn liệu có chảy nhiều vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và bất động sản? Và liệu có phải điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tiếp để đảm bảo hỗ trợ cho các DN vay vốn sản xuất kinh doanh hay, kích thích dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên hay không?
Về vấn đề này, theo nguồn tin phóng viên có được từ thống kê của một vụ chức năng thuộc NHNN thì hiện nay, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với con số chiếm 80%. Còn nếu tính mức tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực trong 8 tháng qua thì nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 10%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,46%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,12%; vận tải kho bãi tăng 13,24%.
Như vậy, có thể cho rằng quan ngại tín dụng nới hơn thì dòng vốn sẽ chảy vào bất động sản là không có cơ sở. Để chủ động ngăn chặn hiện tượng này xảy ra, ngay từ đầu năm NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo các TCTD về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, cơ quan này đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; Nâng cao chất lượng thẩm định, rà soát, đánh giá năng lực tài chính của khách hàng; Kiểm soát chặt chẽ mức cấp tín dụng cho phân khúc bất động sản trung - cao cấp.
Một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời đề xuất những giải pháp tăng cường kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động NH. Tuy nhiên, lãnh đạo của một NHTM cho rằng, đến nay các NH cũng đã nhận được chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mà như chỉ đạo của Chính phủ là khoảng 21%. Nhưng, vấn đề là nền kinh tế hấp thụ được vốn hay không, đó mới là điều quan trọng nhất.