Tín dụng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn | |
Tái cơ cấu nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững | |
Tín dụng ưu đãi nơi Thủ đô gió ngàn |
Đồng hành với nhà nông
Sản xuất manh mún, năng suất thấp, chưa tạo dựng được thương hiệu, thiếu thị trường ổn định… là một thực trạng đáng buồn của nông nghiệp Việt Nam, đẩy nhiều loại nông sản vào tình trạng “được mùa mất giá” triền miên...
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, như: về giao thông, y tế còn rất hạn chế, khả năng cải thiện “xa vời”, đời sống của người nông dân vì thế còn rất nhiều khó khăn.
Để cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, gắn với đó là xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn.
Mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang từng bước được hình thành từ đồng vốn ngân hàng |
Chính vì vậy, theo Bộ NN&PTNT, phải chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp từ manh mún sang mô hình sản xuất lớn, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó sẽ dần đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Để làm được điều này, ngoài việc thực hiện khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, có các DN đầu tư. Hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn này.
Nhằm đổi mới cơ chế và chính sách cho vay theo mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Theo đó, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được NHNN liên tục cập nhật, hoàn thiện để định hướng ưu tiên dòng vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn ngày một lớn hơn.
Một số chính sách như Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình cho vay mua lương thực xuất khẩu; Chương trình thu mua lúa tạm trữ nhằm bình ổn giá đối với người nông dân; Chương trình cho vay nuôi trồng thủy sản...
Trong hành động, nhiều năm qua hệ thống ngân hàng luôn đồng hành cùng các địa phương, góp phần trực tiếp vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Không chỉ hỗ trợ lớn về vốn theo nhiều chương trình tín dụng mà còn đóng vai trò quan trọng tạo lập và kết nối các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, kết nối các chủ thể trong chuỗi cung ứng đầu vào cũng như đầu ra, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nhằm gia tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 6/2016 đạt khoảng 886 nghìn tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Riêng về triển khai thực hiện Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, lựa chọn 28 DN trong toàn quốc triển khai thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố.
Tính đến nay, tổng số tiền các TCTD cam kết cho các DN vay theo Chương trình nói trên lên tới 5.627 tỷ đồng, doanh số giải ngân đến nay đạt 5.850 tỷ đồng, dư nợ trên 2 nghìn tỷ đồng.
NHTM cùng vào cuộc
Là ngân hàng luôn đi đầu ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, trong nửa đầu năm 2016, tổng dư nợ tín dụng Agribank đạt 700.622 tỷ đồng tăng 27.645 tỷ đồng (tăng 4,1%) so với cuối năm 2015. Riêng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 9.440 tỷ đồng, đạt mức tăng 2,1%.
Về đầu tư theo chuỗi giá trị nông sản, riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank đầu tư cho vay thí điểm 2 dự án được NHNN phê duyệt, gồm chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco “sản xuất, chế biến, xuất khẩu” doanh số cho vay đạt 615 tỷ đồng; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu Antesco doanh số cho vay đạt 79 tỷ đồng…
Một NHTM khác cũng có nhiều hoạt động cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn là BIDV. Chủ trương của ngân hàng là tham gia thẩm định, xem xét tính hiệu quả của các dự án phát triển kinh tế theo vùng miền, khu vực để xác định đưa vốn ngân hàng tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và nông nghiệp nông thôn nói riêng. BIDV những năm qua, bên cạnh việc tài trợ vốn cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của NHNN, đã và đang ứng dụng phương thức hoạt động đầu tư theo cách như vậy.
Cụ thể, BIDV đã tham gia cùng chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, BIDV với vị trí là đầu mối thu hút vốn đầu tư, kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà tỉnh có thế mạnh. Đơn cử như chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh, Nghệ An; đánh bắt thủy sản ở Bình Định...
Theo NHNN, phát huy hiệu quả của những chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và tập trung nguồn vốn để cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành.
NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế.
Kiến nghị thêm một số biện pháp nhân rộng các hoạt động cho vay theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 vừa qua, đại diện Agribank nhấn mạnh, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân.
Chính quyền địa phương hỗ trợ ngân hàng, DN, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng...
Về phía Agribank, ngân hàng này cam kết sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020. Đẩy mạnh đầu tư đối với 7 chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và một chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa Ngân hàng - Nhà nông - Nhà DN; Xây dựng chiến lược khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách, gói cho vay theo từng đối tượng gắn với bảo hiểm nông nghiệp. Triển khai đề án điểm kinh doanh lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Phối hợp chặt chẽ trong triển khai thỏa thuận hợp tác đối với các đơn vị đầu mối...