Tín dụng tiếp tục chú trọng vào chất
Khơi thông vốn tín dụng hỗ trợ nhà ở | |
Thêm sản phẩm tín dụng hỗ trợ | |
Tín dụng hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp |
Vốn dài hạn sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nhìn lại con số tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm cho thấy, tín dụng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 19/8, tín dụng tăng 8,78% so với cuối năm 2015; cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. NHNN khẳng định: Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít ý kiến lo lắng về “thực chất” của tín dụng khi DN vẫn đói vốn và có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Nếu xét về mặt số học thì năm 2015, tăng trưởng tín dụng ở mức 17,29% và nền kinh tế có sự khởi sắc khi GDP tăng 6,68%. Năm nay cũng cần phải giữ được đà tăng GDP như vậy. Tuy nhiên, trong khi tín dụng tăng vẫn khá tốt nhưng GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,52%, có phải lưu tâm? Những chuyên gia theo dõi khá sát ngành NH cho rằng, vấn đề này cũng đã từng được “mổ xẻ” sau khi các bộ, ngành sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm. Đó là GDP tăng thấp có nguyên nhân từ sản xuất nông nghiệp, vấn đề khí hậu, thiên tai tác động.
Đặc biệt, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét hại ở các tỉnh phía Bắc đầu năm; hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam và ĐBSCL đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Cùng với đó là công nghiệp khai khoáng tăng thấp mà chủ yếu là nguyên nhân khách quan do giá thế giới giảm.
Nếu loại trừ những nguyên nhân khách quan này thì tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm có thể bằng hoặc cao hơn năm trước. Những phân tích, nhận định này đã được lãnh đạo các bộ, ngành như NHNN, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương… đưa ra.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, GDP thấp hơn dự kiến đã được phân tích kỹ. Song, nếu nói việc DN khó khăn tiếp cận vốn NH tác động tới tăng trưởng kinh tế là có phần chưa chính xác. Bởi theo phía NH thì DNNVV yếu về năng lực tài chính, thông tin không minh bạch khó tiếp cận vốn đã diễn ra nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới diễn ra.
Đặc biệt, theo một lãnh đạo cấp vụ của NHNN thì khi tín dụng tăng 3% - 3,5% mà GDP tăng 1% là phù hợp. Và quan trọng hơn nữa hiện trên 90% là tín dụng trung và dài hạn, do đó, nguồn vốn sau khi được hấp thụ chắc chắn sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, hiện nay hoạt động NH đang phải gánh khá nhiều nhiệm vụ, vừa cung ứng cho DN, người dân theo cho vay thông thường, đồng thời còn phải thực hiện thêm các chương trình cho vay theo sự chỉ đạo của Chính phủ như: xử lý khó khăn cho khách hàng do hạn hán gay gắt kéo dài tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL; Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trước tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung; Thực hiện các chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực tôm, cá tra; Triển khai chính sách tín dụng phục vụ đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Chính sách cho vay phục vụ tái canh cây cà phê…
Để nguồn vốn tín dụng tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế, theo các chuyên gia NH, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo Cục Thi hành án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 866B/QĐ-BTP ngày 31/1/2013 của Bộ Tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đẩy nhanh tiến độ và thi hành dứt điểm các vụ án dân sự phức tạp, kéo dài, có liên quan đến hoạt động NH để bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD và giúp TCTD thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.
Đặc biệt, nên có các chính sách miễn, giảm thuế; gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất và phí sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp đối với những DN tạm thời gặp khó khăn. Chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ, chỉ đạo DN, NH đưa ra kế hoạch tạo lập nguồn vốn để các DN đã vay vốn NH trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trả nợ cho NH khi hoàn thành công trình, để nguồn vốn chu chuyển nhanh, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Các NHTM kiến nghị bản thân DN phải định hướng xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường, nâng cao khả năng quản trị tài chính phù hợp với từng thời điểm của nền kinh tế; tiết kiệm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết và hợp tác của DN, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, các DNNVV phải có những giải pháp của riêng mình để tự đánh giá, cơ cấu lại cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của DN, nâng cao năng lực quản trị điều hành, sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay NH.
Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia NH, thời gian vừa qua ngành NH đã đẩy mạnh lĩnh vực cải cách hành chính, trong đó không chỉ cải cách các thủ tục trong NHNN mà còn chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các thủ tục trong giao dịch giữa NH với khách hàng.
Chứng minh rõ nhất là mới đây NHNN dẫn đầu các bộ, ngành về cải cách hành chính, khi kết quả chỉ số cải cách hành chính vừa được Bộ Nội vụ công bố ngày 17/8. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa trong việc hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn về lâu dài, theo TS. Cấn Văn Lực, NHNN cần chỉnh sửa Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN về Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng. Mặc dù quy chế này đã từng sửa đổi, bổ sung (Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN), nhưng đến nay cần tiếp tục xem xét điều chỉnh thêm để phù hợp hơn nữa.