Tinh hoa phố nghề Hàng Bạc
Giữ gìn nghề truyền thống | |
Phát huy thế mạnh làng nghề |
Phố Hàng Bạc |
Kinh thành Thăng Long xưa vốn nổi tiếng với các phố Hàng - phố nghề. Người dân từ khắp nơi đổ về đây tụ cư, lập nghiệp, để rồi hình thành nên những khu phố chuyên sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc trưng. Phố Hàng Bạc ra đời gắn với nghề chế tác, đúc và đổi bạc. Bên cạnh những dấu ấn của một phố nghề truyền thống xưa, phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) nay còn được biết đến như một tuyến phố du lịch sầm uất.
Tuy cùng làm nghề, nhưng những người thợ Hàng Bạc có sự phân biệt rõ rệt về phong cách. Nếu như thợ Định Công (gốc ngoại thành Hà Nội) chuyên làm hàng trơn, hàng “đậu” (là kéo vàng, bạc thành sợi nhỏ để trang trí đồ trang sức nhỏ), thì thợ Đồng Xâm (gốc Thái Bình) lại giỏi chạm trổ các họa tiết, hoa văn trên hộp trầu, hộp thuốc, khay chén, bát đĩa bạc. Còn dân làng Châu Khê (gốc Hải Dương) thì chuyên nghề đúc bạc đĩnh và đổi bạc.
Theo phong tục truyền thống của người Việt, mỗi làng nghề đều thờ một vị Tổ nghề để tưởng nhớ công ơn. Cho dù sinh cơ lập nghiệp trên đất Thăng Long, người dân các làng vẫn duy trì phong tục tập quán của mình. Dân làng Định Công xưa kia sinh sống tập trung ở cuối phố Hàng Bạc, đoạn tiếp giáp với phố Hàng Bồ, nên lập đình thờ 3 vị thành hoàng: Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa ở đầu phố Hàng Bồ. Tuy nhiên nó đã bị dỡ bỏ từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Còn dân làng Châu Khê thờ vọng vị Thành hoàng làng mình tại ngôi đền mang tên “Châu Khê vọng từ” (hay Nội Miếu) trong ngõ Hài Tượng, nằm trên phố Hàng Giày (quận Hoàn Kiếm). Người Châu Khê cho đến nay vẫn giữ tập quán tổ chức phe giáp phỏng theo phe giáp làng gốc (tên giáp là: Nhất - Nhị - Đông - Tây Xuyên - Trung), hằng năm vẫn mở hội hè đình đám như ở quê nhà.
Ngoài ra, trên phố Hàng Bạc hiện vẫn còn các di tích liên quan đến nghề làm bạc, đó là đình Trương Thị (đình trên), nay là số nhà 58 Hàng Bạc và đình Kim Ngân (đình dưới) ở số nhà 42, là nơi thờ thần Hiên Viên - “ông tổ bách nghệ”. Cùng với các di tích, Hàng Bạc còn lưu dấu ấn phố nghề Thăng Long khi một số hộ vẫn giữ nghề chế tác bạc theo phương thức thủ công truyền thống.
Cụ Hoàng Thị Khuê ở số nhà 114 phố Hàng Bạc cho biết: “Gia đình tôi có 5 đời theo nghề chế tác vàng bạc. Ngày xưa, tôi là con gái phố Hàng Đào, theo chồng về làm dâu phố Hàng Bạc và tiếp quản nghề truyền thống của gia đình. Giờ con trai tôi vẫn duy trì nghề. Bây giờ, ngày càng ít người có nhu cầu mua đồ bạc, nghề cũng theo đó mà thu hẹp dần, nhưng gia đình tôi vẫn bảo nhau phải cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông…”.
Nhờ lưu giữ được những dấu ấn của phố nghề Thăng Long xưa mà phố Hàng Bạc ngày nay được nhiều du khách biết đến. Thấp thoáng đâu đó vẫn là những căn nhà mang lối kiến trúc đặc trưng của Hà Nội trong tranh phố Phái: Kiểu chồng diêm - nhà hai tầng có gác xép với cửa nhỏ hoặc cửa tròn mở ra đường, mái ngói đổ nghiêng xuống phố. Cùng với đó là những căn nhà hình ống, mặt tiền hẹp, lòng nhà sâu, giữa sân có giếng giời để không khí lưu thông. Đối lập với không gian cổ kính ấy, phố Hàng Bạc ngày nay có nhiều khách sạn mini hiện đại, những đại lý du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm và các nhà hàng, quán cà phê nhộn nhịp suốt ngày đêm…
Tuy chỉ dài khoảng 500m, nhưng đầu phố là đoạn giao cắt với phố Hàng Bè - Hàng Mắm, cuối phố tiếp giáp với Hàng Ngang, Hàng Bồ, giữa phố lại gặp Tạ Hiện, Đinh Liệt, Mã Mây… nên Hàng Bạc đóng vai trò như một trục chính trong khu phố cổ, gắn kết các con phố xung quanh, tạo thành trung tâm đón khách du lịch. Tới đây, du khách không thể không thưởng thức những món ẩm thực đường phố nổi tiếng như: Bia cỏ, nem rán trên phố Tạ Hiện; ốc nóng, bánh giò trên phố Đinh Liệt; cà phê Năng Tường, chè trên phố Hàng Bạc…
Du khách Kevin Thompson, 32 tuổi, đến từ Thủ đô Canberra (Australia) hào hứng chia sẻ: “Nhờ một người bạn từng sống tại khu phố này, tôi đã có dịp tìm hiểu nếp sống của người Hà Nội xưa trong những căn nhà truyền thống như nhà cụ Hoàng Thị Khuê, nhà số 86 ghi dấu một di tích cách mạng kháng chiến, nhà số 47 với kiến trúc cổ kính… Tôi cũng đã thử ăn bánh mì, uống cà phê và trò chuyện cùng những người xung quanh. Con người ở đây rất thân thiện, dễ mến. Tôi đã mua vài món đồ trang sức thủ công để làm quà lưu niệm cho bố mẹ và bạn gái. Hy vọng, tôi sẽ sớm được trở lại đây lần nữa”.
Để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của phố nghề Hàng Bạc, bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội cho biết: Những năm qua, BQL phố cổ đã thực hiện các chương trình bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu di tích và đặc biệt chú trọng đến các chuỗi hoạt động trưng bày triển lãm, tọa đàm về các nghề truyền thống tại đình Kim Ngân để người dân chung tay giữ gìn di sản của cộng đồng.
Cùng với đó, BQL phố cổ cũng khuyến khích người dân, đặc biệt là những hộ gia đình còn giữ được nếp nhà cổ hoặc trực tiếp sản xuất nghề thủ công tại nhà tiếp đón, trò chuyện với du khách để phát triển du lịch trên tuyến phố này.
Việc gắn kết các di tích, nhà cổ, nghề truyền thống và các cư dân đang sinh sống trên phố Hàng Bạc với các tour tuyến hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đấy cũng là cách để bảo tồn, phát huy giá trị của các phố nghề Thăng Long xưa trong cuộc sống hôm nay…