Phát huy thế mạnh làng nghề
Hà Nội: Phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản đến năm 2030 | |
Cần tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp | |
Tổng kết công tác đổi mới, phát triển kinh tế tập thể |
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn của thành phố đến năm 2020. Ngành nông nghiệp và các ban ngành liên quan đang tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình này.
Phát triển rau an toàn theo Chương trình OCOP của TP. Hồ Chí Minh |
Chương trình OCOP của TP. Hồ Chí Minh xác định, phát triển 6 sản phẩm chủ lực và 6 làng nghề truyền thống với những lợi thế sẵn có. Hiện các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh) đều tăng trưởng ổn định qua từng năm như, diện tích rau an toàn đạt trên 18.000 ha, tăng cả về diện tích cũng như sản lượng.
Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.395 ha, tăng 4,1% so cùng kỳ. Đàn bò sữa tăng sản lượng 2,3% và đàn bò thịt tăng 9,1%. Đàn heo tăng lượng thịt heo hơi 3,2%, cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận trên 900.000 heo con giống, 20.000 con giống bò sữa. Có 557 cơ sở, hộ dân nuôi tôm nước lợ, sản lượng 15.900 tấn. Sản xuất cá cảnh tăng 17,4% và xuất khẩu tăng 11,5% so cùng kỳ. 6 làng nghề truyền thống của thành phố được xác định gồm: làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Ngoài ra, chương trình OCOP của thành phố còn chọn 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành để phát triển là khô cá dứa huyện Cần Giờ, khô cá sặc Củ Chi tập trung tại xã Phước Hiệp với sản lượng khoảng 80 tấn/năm; tổ yến Cần Giờ đạt 5,4 tấn/năm; và sản phẩm xoài cát Long Hòa, huyện Cần Giờ với sản lượng bình quân đạt 1.500 tấn/năm.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng sản phẩm địa phương (GRDP), nhưng có vai trò rất quan trọng với khoảng 1,7 triệu người dân sinh sống tại 5 huyện ngoại thành. Sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 15% – 20% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.
Với dân số ngày càng tăng, hiện đạt khoảng 10 triệu người (không tính tạm trú), nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố cũng ngày càng tăng, đặc biệt là yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, giá trị dinh dưỡng. Để thực hiện hiệu quả chương trình, ngành nông nghiệp thành phố đã chuẩn bị các giải pháp thực hiện hiệu quả, từ việc tuyên truyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại…
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đang ưu tiên lựa chọn các hợp tác xã, hộ dân thành viên hợp tác xã, DN có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã là đối tượng tham gia thực hiện chương trình.
Bên cạnh việc đẩy nhanh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 500 – 650 triệu đồng/ha, diện tích rau an toàn đạt trên 21.000 ha, số lượng DN trong lĩnh vực nông nghiệp trên 1.500 DN. Đặc biệt phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng ứng dụng công nghệ cao và năng suất cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.