Trách nhiệm với gói 30 nghìn tỷ đồng
Xem xét gia hạn ưu đãi lãi suất gói 30.000 tỷ | |
Vai trò của gói hỗ trợ mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành | |
Hệ thống Ngân hàng: Thực hiện nghiêm túc gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ |
Nhìn cả ở góc độ đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, ông đánh giá thế nào về những kết quả của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được triển khai trong thời gian qua?
Ông Cao Sỹ Kiêm |
Gần đây đã có những cái nhìn khác nhau về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng nhà ở xã hội và người thu nhập thấp mà ngành NH đã triển khai thời gian qua. Tuy nhiên, theo tôi cần phải đánh giá khách quan về gói tín dụng với nhiều “thăng trầm” này.
Sự ra đời của gói tín dụng này là trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Theo đó, ngành NH đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 và sau đó là Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 07/2013/BXD ngày 15/5/2013 hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở.
Có thể nói gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cho đối tượng có thu nhập thấp để họ có nhà ở, cải thiện đời sống, đây là mục tiêu lớn nhất. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng thì gói tín dụng này cũng góp phần hỗ trợ cho mảng nhà ở xã hội sôi động lên và kéo theo sự hồi phục của các phân khúc nhà ở khác. Đồng thời, qua gói hỗ trợ này cũng đã “kích hoạt” cho các DN xây dựng tham gia nhiều hơn vào thị trường nhà ở xã hội.
Với phân tích trên, thì có thể thấy rằng, thành công của gói tín dụng này là khá tích cực?
Đúng như vậy, nhưng thời gian qua có ý kiến cho rằng, triển khai giải ngân gói tín dụng này hơi chậm. Có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, là nguồn cung nhà ở xã hội của chúng ta ít. Sau này có gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, một số DN mới bắt tay vào xây dựng nhà ở xã hội; hoặc xin phép cơ quan quản lý chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Thứ hai, thời gian đầu triển khai thủ tục xét duyệt đối tượng được vay vốn có phần rườm rà nhưng sau đó NHNN và Bộ Xây dựng đã điều chỉnh nên triển khai đã nhanh hơn.
Số liệu tôi có được nếu như đến hết tháng 9/2015, gói tín dụng chỉ có có 31.087 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay từ các NH đạt hơn 21.500 tỷ đồng, thì tính đến ngày 10/3/2016, các NH đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng.
Khách hàng lo ngại khi hết thời hạn giải ngân gói tín dụng này họ sẽ phải trả theo lãi suất thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu như chiểu theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của NH đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013) thì đến 1/6/2016 là gói tín dụng này kết thúc.
Tôi được biết gói tín dụng này chỉ còn giải ngân khoảng 4 nghìn tỷ đồng nữa là đạt con số 30 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, một số người họ đã gần nhận được nhà rồi mà giờ lại giải ngân theo phương pháp mới và lãi suất thị trường thì có phần thiệt thòi cho họ. Số còn lại rất ít nhưng là những đối tượng cần ưu tiên, do đó, cần chiếu cố vì nếu họ không được vay ưu đãi thì sẽ gặp khó khăn.
Nhưng NHNN vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến khi hết 30 nghìn tỷ đồng của toàn bộ chương trình?
Đúng vậy. Theo tôi, đề xuất của NHNN cho thấy cơ quan này rất có trách nhiệm và Chính phủ nên thông qua “quyết sách” này vì chính sách có tác động tới những người khó khăn và họ cần được hưởng trọn vẹn chính sách. Như tôi nói, số lượng tiền thì còn ít thôi, nhưng đó là đối tượng thu nhập thấp nên nếu theo lãi suất thị trường thì khó khăn với họ.
Tôi được biết, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN và có chỉ đạo NH Chính sách xã hội tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn đối với những người dân chưa được vay vốn ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ đồng.
Đối tượng hỗ trợ nhà ở sẽ còn nhiều nên tôi cho rằng, cần có chính sách đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của họ cho những người cần nhà hoặc không có nhà ở.
Xin cảm ơn ông!