Trăm trò lừa đảo công nghệ cao
Từ qua Zalo, Facebook
Sau khi Công an TP.Hồ Chí Minh triệt phá các nhóm lừa đảo do Lê Văn Pháp (sinh năm 1990), Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1996) và Phạm Nguyễn Minh Tài (sinh năm 1994) ngụ tại Quảng Nam tổ chức, rất nhiều nạn nhân bị lừa qua mạng bằng hình thức trúng thưởng trên các trang Zalo, Facebook, Zingme, Viber... đã đến Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.Hồ Chí Minh trình báo.
Phạm Nguyễn Minh Tài giữ vai trò rút tiền trong băng nhóm lừa đảo |
Thực trạng cho thấy, phần lớn những nhóm tội phạm kiểu này nằm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng địa bàn hoạt động trải rộng khắp cả nước. Thủ đoạn lừa đảo của chúng khá tinh vi, dẫn dắt nạn nhân bài bản khiến họ mất cảnh giác. Mới đây, Công an TP.Hồ Chí Minh cũng ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp với hai thanh niên cũng trong các đường dây này.
Hai người bị bắt khẩn cấp là: Phạm Quốc Dũng (26 tuổi, ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) và Võ Quốc Phương (22 tuổi, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với công an 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam tiến hành bắt, khám xét, di lý cả hai thanh niên này về TP. Hồ Chí Minh để xử lý do liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của ông Tr.H.Ph. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh).
Theo đó, Dũng, Phương đã thông báo đến ông Ph. về việc trúng thưởng xe Honda SH và phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng, sau đó yêu cầu ông Ph. chuyển 22,5 triệu đồng (21 triệu tiền chuyển khoản và 1,5 triệu tiền thẻ cào) bao gồm tiền phí hồ sơ khách hàng, phí vận chuyển xe, phí đăng ký xe trước bạ, chi phí để trao thưởng… rồi chiếm đoạt.
Cả hai cũng đã lừa đảo nhiều người qua hình thức thông báo trúng thưởng qua ứng dụng Zalo, Viber, Beetalk... bằng cách lập ra các website như: www.trangchuzalo.vn, www.tongdaizalo.tk hay www.thongtinzaloapp.com và nhiều website khác để thu hút thành viên.
Từ số điện thoại đăng ký thành viên của các website này, Dũng và Phương thông báo đến chủ thuê bao đã trúng xe Honda SH, phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng và nhiều quà tặng hấp dẫn khác.
Sau đó, cả hai yêu cầu “con mồi” chuyển trước tiền chi phí làm thủ tục nhận giải thưởng như phí hồ sơ khách hàng, phí vận chuyển xe, phí đăng ký xe trước bạ, chi phí để trao thưởng… để chiếm đoạt. Hai tên này đã hoạt động suốt một thời gian dài và lừa rất nhiều người dân với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đến giả danh nhà mạng
Thời gian qua, Bộ Công an, công an các tỉnh, thành trên cả nước đã cảnh báo về loại tội phạm sử dụng điện thoại giả mạo công an điều tra, hay các tổ chức khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước hiện tượng đó, VNPT Hà Nội vừa đưa ra khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước vấn nạn này. Tuy vậy, mới đây trên nhiều địa phương vẫn tiếp tục xuất hiện các đối tượng lừa đảo theo hình thức trên và vẫn có những con mồi dính câu.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, một số khách hàng của VNPT Hà Nội nhận được các cuộc gọi giả mạo VNPT nhắc nợ khách hàng hiện đang nợ cước với số tiền lớn (thường 7-8 triệu đồng), yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ tạm dừng liên lạc và khởi kiện ra tòa.
Mục đích của các cuộc gọi này là thu thập trái phép không tin cá nhân của khách hàng (gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng...), chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội để khách hàng thanh toán, hoặc hướng dẫn khách hàng bấm số gọi lại và chuyển tiếp cuộc gọi vào các đầu số dịch vụ giá cước cao để hưởng cước phí gọi đi.
Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại, VNPT Hà Nội đề nghị khách hàng khi nhận được các cuộc gọi giả mạo nêu trên cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, không chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng vào số tài khoản không phải của VNPT Hà Nội, không thực hiện bấm số gọi lại để tránh phát sinh cước.
Bên cạnh hình thức giả mạo nhà mạng để “nhắc nợ” với số tiền hàng triệu đồng, trong thời gian qua, hành vi lừa đảo qua điện thoại còn diễn biến phức tạp với chiêu thức: đối tượng lừa đảo mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định… hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào.
Người dân cần “tỉnh táo” trước những chiêu trò của loại tội phạm này. Khi thấy nghi ngờ, hãy nhanh chóng thông báo sự việc đến các cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46) đang tiến hành mở rộng điều tra các vụ lừa đảo “trúng thưởng” trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Zing me, BeeTalk…) và đã khởi tố 5 bị can có liên quan. Vì vậy, để phục vụ công tác điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị những người từng nộp tiền vào các tài khoản được sử dụng vào việc lừa đảo, liên hệ Đội 8 Phòng PC46 - Công an TP. Hồ Chí Minh, địa chỉ: 324 Hòa Hưng, phường 13 quận 10, số điện thoại (08)38640508 để cung cấp thông tin. Những tài khoản này gồm: - Tài khoản số 2016206031787 mang tên Dương Văn Phước mở tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh Chi Lăng, TP. Đà Nẵng. - Tài khoản số 0101001066040 đứng tên Đỗ Minh Thúy mở tại Ngân hàng Vietcombank – chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. - Tài khoản số 711A64854554 đứng tên Phạm Thị Lam mở tại Ngân hàng VietinBank – chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. - Tài khoản số 2015206041999 đứng tên Nguyễn Văn Hà mở tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Chính - TP. Đà Nẵng. - Tài khoản số 5218205010584 đứng tên Lê Anh Dũng mở tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hòa Khánh - TP. Đà Nẵng. Đối tượng nào từng tham gia những băng nhóm lừa đảo theo hình thức trên, đến cơ quan điều tra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. |