Trăn trở đầu ra sản phẩm công nghệ cao
Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao | |
Công nghệ tạo lực bẩy cho nông sản Việt Nam |
Những hiệu quả bước đầu
Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1895/QĐ-TTg về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình, nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao...
Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó trên thị trường |
Thời gian qua, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn và bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Mới đây, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND TP. Đà Nẵng và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn miền Trung - Tây Nguyên”.
Tại hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây Quảng Nam đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thương hiệu, tạo ra sản phẩm mang đặc sắc riêng.
Trong đó, có thể kể đến mô hình ứng dụng công nghệ cao tại VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco (thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An - Tập đoàn Vingroup). Mô hình này không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo mà còn là 1 trong 15 nông trường được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh bậc nhất hiện nay như, công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.
Tương tự, tại TP. Đà Nẵng cũng đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân. Theo đó, Đà Nẵng đã quy hoạch hơn 500 ha dành cho nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Đặng Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố kêu gọi đầu tư vào trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín. Các mô hình trong vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, Hòa Phú, huyện Hòa Vang bước đầu đã được triển khai.
Trong đó, có thể kể đến mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Xuân Hùng, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đã mang lại hiệu quả kinh tế với lợi nhuận 250 triệu đồng/năm từ hơn 10 nghìn gốc hoa lan. Ngoài ra, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Ông Mai Văn Khẩn - Giám đốc HTX Tân Tiến chia sẻ, hàng năm HTX cung cấp ra thị trường hơn 12 nghìn tấn rau, củ, quả sạch các loại, mang về thu nhập hơn 14 tỷ đồng. Tùy các hộ xã viên góp đất và sản lượng làm ra mà có thu nhập khác nhau, ít nhất cũng từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, các sản phẩm của HTX đều có địa chỉ cụ thể, nếu chất lượng có vấn đề gì thì các “thượng đế” dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Gặp khó trên thị trường
Xác định nông nghiệp, nông thôn trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, bởi vậy các TCTD trên địa bàn đã và đang hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này... Trong đó, có thể kể đến vai trò tiên phong của Agribank. Đến 31/5/2018, toàn khu vực miền Trung có 5 chi nhánh Agribank cho vay lĩnh vực này với tổng dư nợ 198 tỷ đồng.
Cụ thể, cho vay nông nghiệp sạch có 4 chi nhánh phát sinh với tổng dư nợ là 158,68 tỷ đồng. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có Agribank, với dự án của Công ty CP Thực phẩm công nghệ cao Bắc Âu. Tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng, ngân hàng cam kết cho vay 59 tỷ đồng…
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã có những hiệu quả ở miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó trên thị trường. Nguyên nhân chính, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đa phần là các sản phẩm đặc biệt, mang tính khác biệt so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên thị trường. Bởi vậy, thị trường đầu ra của các dự án vẫn chưa nhiều.
Đại diện HTX Xuân Hương ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), chuyên sản xuất rau sạch sử dụng công nghệ cao cho biết, hiện người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm rau an toàn hay rau không an toàn nên mặt bằng giá chưa hợp lý. Rau sạch, rau an toàn chi phí cao, năng suất thấp nên giá thành sản phẩm phải cao hơn. Hợp đồng tiêu thụ HTX đã ký kết với các đối tác, song chưa mang tính ổn định. Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ dân, DN chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cũng tại Hội thảo “Thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn miền Trung - Tây Nguyên”, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Về lâu dài cần có những tiêu chuẩn hóa về các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, xây dựng hành lang pháp lý để bảo hộ thương hiệu nông sản tránh lẫn lộn giữa nông sản chất lượng cao và chất lượng kém.
Theo ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, mối liên kết giữa các hộ nông dân thông qua việc thành lập HTX trên nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo thuận lợi hơn về mặt pháp lý trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ và quá trình đăng ký thương hiệu nông sản. HTX sẽ đảm nhiệm vai trò đầu mối cho các xã viên tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng liên kết với DN. DN liên kết đảm bảo sự ổn định trong các điều khoản cam kết và hỗ trợ đã ký kết với HTX.
Về phía các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cũng cần xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, có chứng nhận, gắn tem điện tử cho nông sản. Gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với du lịch và quảng bá sản phẩm... Phát triển và gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa tiêu thụ nông sản với sản xuất, chế biến góp phần đảm bảo sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên thị trường về số lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.