Trăn trở mùa đại hội cổ đông
Không thể “trốn” không chia cổ tức cho phần vốn nhà nước | |
Có nên kỳ vọng được chia cổ tức cao |
Chia cổ tức: kẻ có, người không
Mùa đại hội cổ đông năm nay của các ngân hàng có vẻ như khá “ấm” sau khi nhiều nhà băng công bố kết quả kinh doanh của năm 2017 rất khả quan. Tuy nhiên trước áp lực tăng vốn nhiều cổ đông vẫn phải tạm hoãn “sự sung sướng” nhận cổ tức để dồn cho mục tiêu kinh doanh dài hạn của ngân hàng.
Là nhà băng tổ chức đại hội cổ đông sớm nhất, Techcombank vẫn tiếp tục “delay” việc chia trả cổ tức cho các cổ đông dù lợi nhuận năm 2017 của ngân hàng này đạt con số 8.036 tỷ đồng. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Techcombank không chi trả cổ tức cho cổ đông để tăng trưởng kinh doanh.
Nhiều cổ đông vẫn phải tạm hoãn nhận cổ tức để dồn cho mục tiêu kinh doanh dài hạn của ngân hàng |
Mặc dù đại hội cổ đông chưa diễn ra nhưng thị trường đang đồn đoán rằng nhiều khả năng một số nhà băng khác là Eximbank, Sacombank cũng sẽ không chia trả cổ tức cho cổ đông giống như trường hợp Techcombank.
Trái lại một số ngân hàng vẫn dự kiến tổ chức đại hội cổ đông trong tháng 3 này như VPBank, MB, VIB, HDBank, LienVietPostBank… đã thông tin về việc sẽ chia trả cổ tức cho các cổ đông.
Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, trong năm 2018, ngoài khoản chia cổ tức và cổ phiếu thưởng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 4.679 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 30% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay); các cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông còn được chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn là 4.577 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ chia 32% trên tổng số vốn cổ phần phổ thông hiện nay). LienVietPostBank cũng đưa thông tin, năm nay tỷ lệ trả cổ tức dự kiến là 15% thay vì 12% như đã thông qua, nhờ lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đề ra. Còn VIB dự kiến chi trả 5% cổ tức bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông, đồng thời sử dụng cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.
Trong khi đó, khối các nhà băng lớn đang chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank việc chi trả cổ tức năm nay vẫn đang được tính toán. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank từng đề xuất cho ngân hàng này được giữ lại 50% cổ tức của nhà nước được chia trong năm 2017 để tăng vốn. Bởi hệ số an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại nhà nước đã sát ngưỡng an toàn theo quy định của NHNN.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cổ đông họ luôn đòi hỏi chia cổ tức, bởi nếu gửi tiền ngân hàng thì nhận lãi suất 6%-7%/năm nên cổ đông thấy hụt hẫng khi không được nhận cổ tức tiền mặt.
Tăng vốn bằng cách nào?
Với những ngân hàng vẫn chia cổ tức cho các cổ đông nhưng đồng thời vẫn đưa ra kế hoạch tăng vốn bằng nhiều giải pháp. Đơn cử như VIB sẽ chi trả 5% cổ tức bằng tiền mặt và 31% bằng cổ phiếu thưởng và dự kiến trình các phương án tăng vốn, đưa vốn điều lệ lên 8.100 tỷ đồng theo các phương thức bao gồm chào bán cổ phiếu quỹ, phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới, chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần.
Theo kế hoạch, phần vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để tăng cường cấp tín dụng cho các khách hàng có tình hình tài chính ổn định, để đầu tư tài sản có độ thanh khoản cao, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ cho phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro, cũng như đầu tư nâng cấp mở rộng mạng lưới hoạt động...
Còn với VPBank sẽ thực hiện một số đợt tăng vốn điều lệ với mục tiêu tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng vào năm 2018 và theo đó, mức vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ lên trên 27.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của VPBank sẽ được chia thành các đợt bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước và chia thặng dư vốn.
Một chuyên gia cho rằng, phát hành cổ phiếu ESOP là cách làm “một mũi tên, trúng hai đích”, khi một mặt qua đó các ngân hàng tăng được vốn, mặt khác lại thể hiện sự đãi ngộ với cán bộ, nhân viên.
Các ngân hàng vẫn đang tiếp tục chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu chuẩn Basel II, nhất là 10 ngân hàng được chọn áp dụng theo chuẩn này. Theo đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tỷ lệ an toàn vốn (CAR) từ 9% xuống 8%. Trong khi theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%).
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, DN hay ngân hàng có nhiều phương thức tăng vốn như giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức 50%, giữ lại ngân hàng 50%, nhưng trong nhiều trường hợp ngân hàng giữ lại toàn phần và thông báo cho cổ đông là để bổ sung vốn bằng lợi nhuận. “Có trường hợp ngân hàng phát hành cổ phiếu mới và dùng cổ phiếu quỹ để bán hoặc tặng cho cán bộ, nhân viên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói thêm và cho rằng, nếu cần phải tăng vốn thì dễ nhất là tăng vốn cơ học, tức sử dụng lợi nhuận của mình tăng vốn và nếu không theo phương án này ngân hàng chuyển phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông tiềm năng.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, ngoài tranh thủ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ nhân viên, thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường tài chính là cơ hội để các ngân hàng tìm kiếm cổ đông chiến lược.