Có nên kỳ vọng được chia cổ tức cao
Không trả được cổ tức, Chứng khoán Kim Long muốn giải thể | |
Không chia cổ tức, ngân hàng xin lỗi cổ đông | |
Chiến lược đầu tư cổ tức |
Đã bớt “tức cổ” vì cổ tức?
Tháng 4, mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các NH vào giai đoạn cao trào. Năm nay liệu cổ tức có còn là điểm nóng tại các ĐHCĐ?
Trả lời câu hỏi trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, chưa bao giờ việc chia cổ tức của các NH không là tâm điểm tại các ĐHCĐ. Vì NĐT, các cổ đông khi bỏ tiền vào NH thì đều mong mỏi mỗi năm NH đền bù cho khoản đầu tư của họ. Cổ tức được xem như một khoản đền bù cho NĐT giống như người gửi tiền được nhận lãi suất của NH.
“Người nào bỏ tiền vào NH dù là khách hàng gửi tiền, hay cổ đông đầu tư đều mong đợi NH có đền bù số tiền mình bỏ ra. Thành ra cổ tức luôn là vấn đề nóng”, TS. Hiếu nhận định.
Nhất là hai năm qua, khi NHNN kiểm soát chặt việc chia cổ tức tại các NHTM thì tỷ lệ cổ tức các cổ đông nhận được khá bèo. Vì sao NHNN lại phải can thiệp vào việc vốn dĩ trước nay do NH và cổ đông quyết định?
Trong quá khứ không ít các NHTM tìm nhiều cách xào nấu sổ sách để đưa ra con số lợi nhuận cao, từ đó có cơ sở chia cổ tức cao làm hài lòng các cổ đông. Được chia cổ tức cao đương nhiên các cổ đông thấy hoan hỉ nhưng họ đâu có biết thực chất đó là tiền của mình được NH “làm phép” đưa từ túi trái sang túi phải. Với cách làm ảo này, nhiều NH cũng đã phải trả giá khi ăn mòn cả vào vốn chủ sở hữu của mình.
Còn năm nay thì sao? Theo ghi nhận phóng viên, tại ĐHCĐ của các NH vừa diễn ra cũng như một số NH công bố kế hoạch dự kiến, ngoại trừ Techcombank tiếp tục không chia cổ tức thì số còn lại đều chia cổ tức. Tuy nhiên, hình thức chia khác nhau: có NH chia bằng tiền mặt, có NH bằng cổ phiếu. Đơn cử, kết thúc năm 2015 với 349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ so với năm trước đó, nhưng LienVietPostBank vẫn dành 129 tỷ đồng chia cổ tức theo tỷ lệ 5%.
Hay như Bac A Bank cũng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5,3%. Tuy tỷ lệ chia cổ tức còn khiêm tốn nhưng phần nào cũng “an ủi” các cổ đông. Một số NH có tỷ lệ cổ tức cao hơn nhưng bằng cổ phiếu như: ACB chia tỷ lệ cổ tức 10% bằng cổ phiếu; VietinBank cũng dự kiến chia ở mức này… Lý giải việc tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu, lãnh đạo những NH này cho biết, chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp NH tăng vốn điều lệ, từ đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn.
Cơ quan quản lý khuyến khích các NH chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng tính bền vững hơn trong hoạt động |
Chưa thể chia cổ tức cao
Sau một thời gian tích cực tái cơ cấu, các NH cũng được NHNN “cởi mở” hơn đối với việc chia cổ tức. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, năm nay, NHNN không khống chế tỷ lệ chia cổ tức của các NHTM. Nhưng các NH phải gửi báo cáo chia cổ tức cho NHNN. Qua đánh giá xem xét năng lực tài chính của các NH, NHNN sẽ đưa ra yêu cầu xem nên chia cổ tức bằng cổ phiếu hay chia bằng tiền mặt.
Như tại OCB thì được lựa chọn cả hai phương án và NH này chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 4,5% thay vì bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5% như năm trước. “Năm 2015 hoạt động kinh doanh NH cũng khả quan, với lại cũng phải động viên các cổ đông, họ chờ đợi mấy năm nay rồi”, ông Tùng chia sẻ lý do NH này chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tại ĐHCĐ năm nay, dự kiến nhiều nhà băng tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức, để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các nhà băng sau M&A.
Phân tích cụ thể hơn về chủ trương trên, một lãnh đạo NHNN cho biết, năm nay tuy NHNN không kiểm soát việc chia cổ tức nhưng cơ quan quản lý khuyến khích các NH chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng tính bền vững trong hoạt động hơn.
Nhất là những NH được lựa chọn áp dụng chuẩn mực Basel II thì càng cần phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức cao mới có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe về vốn của Hiệp ước Basel II. Việc tăng vốn còn giúp các NH nâng cao sức khỏe tài chính, chủ động ứng phó những biến động thị trường ngày càng phức tạp hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra khá đồng tình với quyết định thận trọng chia cổ tức bằng tiền mặt của các NH. Ông nói, có lẽ các cổ đông nói chung sẽ không hài lòng với lợi nhuận cũng như cổ tức mà mình nhận được từ NH trong năm nay. Vì năm 2015 kinh doanh NH cũng không có nhiều đột phá, mà vẫn gặp nhiều bất lợi.
Một trong những bất lợi là các NH phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn đã ăn vào lợi nhuận của họ. Nếu lợi nhuận bị ăn sâu thì khó có thể trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Nên sẽ có nhiều cổ đông thất vọng vì cổ tức. Nhưng họ hiểu một điều là việc trích lập dự phòng rủi ro là điều tối quan trọng đối với các NH.
Dù có lợi nhuận nhưng nếu lấy hết để đem chia cổ tức cho các cổ đông thì NH sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, do không còn nguồn để tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời gây nguy cơ NH mất thanh khoản.
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn nhận định, năm nay cổ đông khó kỳ vọng các NH chia cổ tức cao. Thực tế hoạt động của các NH vẫn còn khó khăn, nhất là NH đang trong diện tái cơ cấu phải xoay xở giải quyết những vấn đề nội tại.
Một vị CEO NH đặt vấn đề: liệu cổ tức có thực sự là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các cổ đông hay không. Bởi có những NH như Techcombank, 8 năm nay họ không chia cổ tức nhưng các cổ đông vẫn không hề quay lưng lại với NH. Điều họ quan tâm là sự tồn tại, phát triển của NH đó ra sao, giá trị cổ phiếu NH đó tăng thế nào.
Tất nhiên việc đòi hỏi về cổ tức là mong muốn chính đáng của NĐT. Vì họ bỏ ra một khoản vốn đầu tư nhiều năm liền không nhận được đồng lãi nào từ phía NH thì không tránh khỏi bức xúc. Do vậy, dù không thể chia cổ tức nhưng các NH cũng cần phải đưa ra lời giải thích một cách minh bạch, chính đáng để cổ đông yên tâm về sự phát triển NH và cũng thấy rằng quyền lợi của họ được đảm bảo. Nhất là với những NH tuy không trả cổ tức nhưng vẫn chi mạnh thù lao cho lãnh đạo.
Tại ĐHCĐ năm nay, dự kiến nhiều nhà băng tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức, để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các nhà băng sau M&A. Phân tích cụ thể hơn về chủ trương trên, một lãnh đạo NHNN cho biết, năm nay tuy NHNN không kiểm soát việc chia cổ tức nhưng cơ quan quản lý khuyến khích các NH chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng tính bền vững hơn trong hoạt động. |