Tránh rủi ro khi ký hợp đồng với đối tác ngoại
Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại | |
Nguy cơ bị đối tác ngoại thôn tính |
Theo phản ánh từ các DN hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng với các DN đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký.
Ngoài việc chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, một số trường hợp còn hủy ngang hợp đồng, trong khi vẫn còn giữ tiền đặt cọc của người mua không trả, thậm chí một DN điều ở Bình Phước còn cho biết, công ty bị mất khá nhiều hàng trong container khi về Việt Nam, sau khi nhận hàng kiểm tra lại DN mới phát hiện ra, nhưng lúc đó cũng chẳng biết kêu ai.
Nhiều DN Việt Nam thua ngay từ khi ký hợp đồng |
Trước đây, tình trạng này đã từng diễn ra và không còn mấy xa lạ đối với các DN XNK. Thời gian qua, một số DN xuất khẩu gạo, hồ tiêu cũng đã phản ánh với các tham tán thương mại về tình trạng đối tác mua hàng không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký.
Nhất là trong bối cảnh giá gạo, tiêu tăng giảm thất thường, để tránh thiệt hại, một số đối tác đã thoái thác thực hiện hợp đồng mà không phải chịu bất cứ đền bù nào đã gây ra cho DN Việt.
Mới đây nhất, với mong muốn có đơn hàng, nhiều DN trong ngành chế biến gỗ đã vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều sơ hở trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi hàng chục tỷ đồng. Điển hình là Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Globle Home nhưng không thu hồi được tiền hàng.
TS. Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương cho biết, nhìn lại những vụ việc xảy ra trong mua bán quốc tế, hoạt động XNK gần đây, có thể thấy nhiều DN không có khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng và lúng túng việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động giao thương quốc tế.
Chính vì vậy, tình trạng bị hủy hợp đồng, mất hàng, mất tiền vẫn xảy ra thường chuyên mà dường như các DN trong nước chưa có biện pháp “chống đỡ”, phản ứng phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo bà Hằng, trước khi đặt bút ký kết, làm ăn với đối tác nước ngoài, các DN cần tìm hiểu kỹ về điều khoản giao hàng, thỏa thuận về giá, chất lượng hàng hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp khi có phát sinh. Đồng thời, phải lường trước những trường hợp khi nhận hàng không đúng số lượng hay chất lượng, tiêu chuẩn để đặt yêu cầu, mức bồi thường thiệt hại ngay trong hợp đồng giao kèo…
Bởi, khi xảy ra tranh chấp kiện tụng thì vấn đề quan trọng chính là “án tại hồ sơ”, căn cứ vào hợp đồng đã ký chứ không phải là những thỏa thuận miệng giữa hai bên.
Bàn về vấn đề này, LS. Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với DN các phương pháp kiểm tra thông tin, đánh giá năng lực về đối tác mua bán quốc tế để phòng tránh rủi ro, xác định hợp đồng mua bán quốc tế đủ giá trị pháp luật để có thể giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, LS. Bắc cũng cho các DN biết thêm về sự khác nhau giữa việc lựa chọn cơ chế trọng tài và tòa án trong giải quyết tranh chấp, những điểm lợi và bất lợi khi chọn luật Việt Nam hay luật nước ngoài, cũng như tìm đến Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam hay Trung tâm Trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp trong giao thương, làm ăn với đối tác ngoại....
VIAC cũng nhấn mạnh, vấn đề này đã được nêu rõ, luật hóa thành quy định và nhiều quốc gia công nhận tại Công ước Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hay còn gọi là Công ước viên 1980). Vì vậy, các DN trong quá trình làm ăn, giao thương quốc tế, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài cần nắm rõ các quy định này để làm đúng và tránh thua thiệt khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng.