Xuất khẩu trước áp lực phòng vệ thương mại
Áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài | |
Phòng vệ thương mại: “Cuộc chơi” thời hội nhập | |
Phòng vệ thương mại: Thiếu sự đồng lòng |
Theo thống kê của Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 10 quốc gia bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trên thế giới từ năm 1995 đến nay, có tới 9 quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia…
“Các đối tác này là nhà nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời cũng là các nhà xuất khẩu bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới, điều này sẽ gây ra rất nhiều rủi ro…”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cảnh báo.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các loại hàng hóa mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nhất từ các đối tác FTA cũng đồng thời thuộc các nhóm hàng hóa đứng đầu trong danh mục bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới. Đó là thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu, nhiên liệu; sắt, thép; nhựa và sản phẩm nhựa… Việc lao vào vòng kiện tụng đã không còn là nguy cơ khi chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị kiện trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giai đoạn 1994-2014, thép là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất, chiếm 29% tổng số vụ. Mật độ bị khởi kiện của ngành này đặc biệt dày lên kể từ năm 2015 từ các DN nước ngoài như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… vừa mới đây là Úc. Sản phẩm ống thép dẫn dầu của Việt Nam bị Cơ quan Biên mậu Canada quyết định gia hạn thời gian đưa ra kết luận cuối cùng. Đặc biệt tại thị trường Mỹ, chỉ trong năm 2015, sản phẩm thép Việt đã bị kiện tới 6 lần.
Từ việc ngành thép liên tiếp dính kiện chống bán phá giá, các chuyên gia khuyến cáo cần nhìn lại rủi ro của sản phẩm Việt khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế để cảnh báo đối với các ngành hàng. Theo đó, hiện nay hàng hoá xuất khẩu có nguy cơ đối diện với 3 biện pháp PVTM là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Trong đó, chống bán phá giá được áp dụng phổ biến hơn cả. Theo WTO, biện pháp này được thực hiện nếu cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tìm ra cơ sở để khẳng định sự tồn tại đồng thời của 3 yếu tố: hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá với biên độ không thấp hơn 2%; ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể, bị đe dọa thiệt hại đáng kể, hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bán phá giá và gây thiệt hại.
Biện pháp trợ cấp được tiến hành khi nước nhập khẩu có nghi ngờ rằng loại hàng hoá đó được nhận trợ cấp từ Nhà nước hoặc một tổ chức công để mang lại lợi ích cho DN hoặc ngành sản xuất. Tương tự với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được tiến hành khi cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chứng minh được hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp với biên độ không thấp hơn 1% và điều này gây thiệt hại với ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Theo WTO, 2 biện pháp này có thời hạn áp dụng tối đa là 5 năm, tuy nhiên thời hạn có thể được gia hạn nhiều lần sau mỗi kỳ rà soát lại. Chính vì vậy, thời gian áp dụng thực tế của một quyết định áp thuế có thể lên tới vài chục năm. Ví dụ, Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn carbon nhập khẩu của Thái Lan từ năm 1986, lệnh áp này được gia hạn sau các đợt rà soát cuối kỳ. Từ đó đến nay, sản phẩm này vẫn đang là đối tượng áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ.
Cuối cùng là biện pháp tự vệ, được áp dụng khi nước nhập khẩu chứng minh được rằng hàng hoá liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng, và gây ra việc ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá đó bị thiệt hại hay đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam ít gặp phải biện pháp này vì số lượng xuất khẩu ít khi tăng đột biến.