Trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vùng Tây Bắc được vay vốn từ NHCSXH
Ảnh minh họa |
Trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại các tỉnh miền núi Tây Bắc đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện đáng kể, số lượng hộ nghèo giảm mạnh từ tỷ lệ 34,4% vào năm 2009 xuống còn 18,26% vào năm 2014.
Với vai trò là ngân hàng chủ lực về cho vay xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc.
Tính đến cuối tháng 11/2015, doanh số cho vay đối với hộ nghèo và những đối tượng chính sách khác tại các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 50.658 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 29.286 tỷ đồng với 1.227 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác còn dư nợ, nợ quá hạn giảm mạnh và hiện chỉ chiếm 0,31% tổng dư nợ.
Trong những năm qua, các chi nhánh NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương trong việc mở rộng cho vay chính sách nhằm hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Bắc đã được Đảng, Chính phủ và người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Trong 5 năm qua, trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn từ NHCSXH. Riêng trong giai đoạn 2009-2014, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 363.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 128.000 lao động, trong đó trên 5.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 228.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 712.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn, gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, hoạt động tín dụng chính sách tại các tỉnh Tây Bắc còn một số hạn chế, chất lượng tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương, công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương do UBND cấp xã thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa được quan tâm đúng mức.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Bắc, cần tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư cho vay hỗ trợ hộ nghèo và những đối tượng chính sách khác theo các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đặc biệt tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao (bao gồm Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái).
Tại các địa phương, cần bố trí dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn nói riêng và góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên toàn quốc.