Trên 831 nghìn hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn ưu đãi
Thoát nghèo nhờ rót vốn đúng địa chỉ | |
Hộ mới thoát nghèo tại Hải Dương yên tâm phát triển kinh tế | |
Hơn 3,5 triệu phụ nữ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội |
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến nay, sau gần 15 năm thực hiện chương trình cho vay đoàn viên thanh niên, tổng dư nợ vốn ủy thác do Đoàn Thanh niên đang quản lý đạt hơn 19.260 tỷ đồng với trên 831 nghìn hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn ở 24.019 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Các chương trình cho vay có dư nợ cao như: Hộ nghèo là 4.740 tỷ đồng; hộ cận nghèo 2.760 tỷ đồng; HSSV gần 2.400 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 2.205 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2.080 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 357 tỷ đồng…
Để đạt được kết quả tích cực trên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng ưu đãi, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và NHCSXH đã ký Chương trình Liên tịch 283/VBLT về việc tổ chức thực hiện nhận ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trên cơ sở đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các Tỉnh, Thành đoàn chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở thực hiện tốt các công đoạn ủy thác với NHCSXH; triển khai thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là một số tỉnh có chất lượng tín dụng chưa cao. Trong công tác tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả nhận ủy thác tín dụng chính sách, trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn và cán bộ đoàn cơ sở;… Bên cạnh đó, kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tạo việc làm lập thân, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.
Theo đánh giá của Đoàn Thanh niên các cấp, từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình; nhiều hộ có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.