Trọng tâm là xử lý nợ xấu
Yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu | |
VAMC giảm lãi suất các khoản nợ xấu bằng euro | |
Phê duyệt phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty VAMC |
Sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, trong đó có phần xử lý nợ, hệ thống ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,92% vào cuối năm 2015, đem lại nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, tạo động lực cho nền kinh tế.
Điểm nhấn trong thời gian qua là NHNN và các TCTD không chỉ tập trung xử lý số nợ xấu tiềm ẩn xác định được đến thời điểm xây dựng Đề án (464,7 nghìn tỷ đồng), mà còn triể̉n khai các giải pháp làm cho nợ xấu được nhận diện, phân loại đúng hơn và được minh bạch hoá. Các TCTD tích cực trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chi phí và dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu. Điều này hoàn toàn nhất quán với chủ trương không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Đặc biệt, kể từ khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập, và qua chỉnh sửa, bổ sung cơ chế hoạt động cho công ty này thì việc xử lý nợ xấu đã tích cực hơn.
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, trong đó tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn giảm dần qua các năm, từ trên 103% năm 2011 xuống còn 88,56% cuối năm 2015; tỷ lệ vốn khả dụng trên huy động ổn định ở mức 20%. NHNN không phải tái cấp vốn cho mục đích hỗ trợ chi trả các TCTD. Chất lượng danh mục tài sản được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được giảm dần và tạo điều kiện cho các TCTD lành mạnh hoá tài chính, cơ cấu lại hoạt động và phát triển an toàn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc “xả” những khoản nợ mà VAMC mua lại vẫn đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ vay của các TCTD trong thực tế gặp nhiều khó khăn, do hầu hết những khách hàng có nợ xấu rơi vào tình trạng ngừng sản xuất hoặc có nguy cơ bị phá sản, không còn khả năng trả nợ; bên bảo đảm, khách hàng vay có thái độ bất hợp tác, chây ì trả nợ và tìm cách trì hoãn việc chuyển giao TSBĐ. Trong khi đó, sự phối kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan với ngân hàng trong việc xử lý TSBĐ còn nhiều bất cập.
Hay “hành trình” khởi kiện ra tòa để xử lý thu hồi nợ thường mất thời gian quá dài, gây nhiều khó khăn trong thu nợ (giá trị tài sản giảm sút, mất thời gian, chi phí…). Không ít trường hợp, Tòa án chậm đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hoặc hạn chế, khước từ quyền khởi kiện của ngân hàng khi khách hàng cố tình lẩn trốn.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục phát triển thị trường mua bán nợ và nợ xấu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa – “thuận mua, vừa bán”.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nợ xấu đã gom lại được, nghĩa là đã xử lý được một bước, nhưng bước đi và hướng xử lý tiếp theo như thế nào thì đòi hỏi sự kiên trì và bài bản.
“Muốn nợ xấu được xử lý nhanh hơn thì phải phát triển thêm thị trường mua bán nợ, mua bán tài sản… Ví dụ, quyền chủ nợ trong bán tài sản, tôi đã đề nghị nhiều lần phải xử lý những bất cập trong hệ thống pháp luật mới làm được, chứ tự NHNN không thể giải quyết hết”, ông Lịch nói.
Đáng lưu ý là vấn đề xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục được bổ sung cơ chế từ Chính phủ và NHNN. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng ban hành quyết định phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nự xấu theo giá thị trường của VAMC, trong đó nhấn mạnh tới nguyên tắc xác định giá mua, nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Song, cùng với nỗ lực từ NHNN, các bộ ngành khác cần hỗ trợ trong việc điều chỉnh cơ chế pháp lý.