Trúng mùa từ vốn rẻ tam nông
Cơ hội quản lý dòng tiền cho dự án tam nông | |
Tập trung nguồn lực cho tín dụng “tam nông” | |
Giữ vững chân kiềng tam nông |
Tín dụng ưu đãi nảy mầm
Cận Tết Nguyên đán 2018, ông Trần Văn Ngoan (ngụ tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, mùa Tết năm nay vườn bưởi da xanh 1,5 ha của gia đình ông sẽ cho thu hoạch khoảng 5,5 tấn quả. Với giá bán vụ Tết khoảng 55.000 đồng/kg, cầm chắc mùa xuân này gia đình ông có thể bỏ túi trên dưới 300 triệu đồng.
Tín dụng ưu đãi là chỗ dựa cho khởi nghiệp nông nghiệp |
Có được nguồn thu kể trên, theo ông Ngoan là nhờ vốn vay của Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Hưng. Bởi cách đây 5 năm, gia đình ông là hộ đầu tiên ở vùng đất phèn xã Khánh Hưng mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất lúa sang trồng bưởi da xanh. Khi đó, Agribank Vĩnh Hưng đã đầu tư hàng tỷ đồng để gia đình ông vay vốn xây dựng vườn bưởi. Kết quả là sau 4 năm chuyên canh cây bưởi, mỗi năm gia đình ông đều tăng thêm thu nhập từ 300-500 triệu đồng. Không những trả gần hết nợ, mùa xuân này, ông Ngoan còn dự định tiếp tục đầu tư thêm một vườn bưởi gần 1ha nữa với kỳ vọng doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ông Đỗ Đức Miến – một chủ hộ trồng cà phê cũng cho hay, mùa Tết năm nay, gia đình ông đón xuân với tinh thần vô cùng phấn khởi. Bởi cách đây 3 năm khi dự án VnSAT - Chuyển đổi nông nghiệp bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) khởi động tại Lâm Đồng, gia đình ông và nhiều hộ trồng cà phê khác tại Di Linh đã được chọn làm thí điểm mô hình tái canh cà phê bền vững với lãi suất hỗ trợ từ dự án chỉ ở mức 0,6%/năm.
Với hợp đồng tín dụng 400 triệu đồng lãi suất ưu đãi từ VnSAT (thông qua Agribank chi nhánh huyện Di Linh), gia đình ông Miến đã chuyển đổi 2ha cà phê già cỗi năng suất thấp sang trồng mới và ghép chồi các giống cao sản. Sau 3 năm tái canh vất vả, mùa vụ 2016-2017 vừa qua, năng suất vườn cà phê của gia đình ông tăng từ 2,2 tấn/ha lên mức 5-6 tấn/ha. Với giá bán 36.000 – 40.000 đồng/kg, nguồn thu của gia đình tăng gấp 3 lần so với các năm trước.
Hai hộ nông dân kể trên chỉ là những trường hợp tiêu biểu để chứng minh rằng mùa xuân Mậu Tuất - 2018 này là một mùa vụ bội thu của hàng triệu hộ gia đình trên cả nước nhờ vào kết quả tích cực từ việc vay vốn các NHTM nhằm chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp.
Các thống kê từ nhiều địa phương cho thấy điều này khi ghi nhận thời gian qua hàng trăm ngàn mô hình kinh tế hộ và kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn bứt phá mạnh mẽ có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn cho vay ưu đãi từ các NHTM. Chẳng hạn, tại TP.HCM, tính riêng năm 2017, các NHTM đã cho vay với lãi suất 6-6,5%/năm đối với hơn 1.600 hộ dân theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị với số vốn gần 900 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, các chi nhánh của Agribank đã cho vay khoảng 680 tỷ đồng để 5.000 hộ nông dân có vốn tái canh, cải tạo các vườn cà phê già cỗi. Tại Long An, Đồng Tháp hầu hết dư nợ cho vay của các chi nhánh Agribank đều tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp như Hưng Phú, Thanh long Tầm Vu (Long An), Phú Cường, Tân Phú Đông (Đồng Tháp)… đều tiếp cận được các khoản vốn vay ưu đãi lãi suất từ Agribank, chuyển đổi thành công nhiều diện tích đất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao gấp 2-3 lần cho các hàng ngàn hộ thành viên.
Vốn mồi kích nông nghiệp tư nhân
Không những hỗ trợ chuyển đổi tốt các mô hình kinh tế hộ, năm 2017 vừa qua là một năm nguồn tín dụng từ các NHTM là một trong những nguồn vốn mồi rất tích cực trong việc kích thích khối DN tư nhân đầu tư vào ngành nông nghiệp với các dự án sản xuất – tiêu thụ khép kín.
Hơn 75% tín dụng của Agribank đang đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc |
Tại TP.Đà Lạt, theo chia sẻ của ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Lang Biang, hiện DN của ông đang sở hữu 3 trang trại (gần 40 ha) chuyên sản xuất các loại hoa, rau củ quả theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao. Hiện công ty đang vay trên 20 tỷ đồng từ Agribank để phát triển các loại sản phẩm rau, hoa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong năm nay, nếu tiếp cận thêm được nguồn vốn trung – dài hạn từ ngân hàng, DN của ông sẽ tiến hành liên kết với các hợp tác xã và các hộ nông dân có diện tích lớn tại khu vực Đà Lạt và lân cận để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.
Trong khi đó, tại Long An, ông Lê Thanh Nhân - một doanh nhân trẻ ở huyện Châu Thành cho hay, thời gian vừa qua DN của ông đã vay 20 tỷ đồng từ Agribank để phát triển các mô hình vườn thanh long sản xuất – tiêu thụ khép kín. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, công ty của ông xuất khẩu được khoảng 500-600 tấn thanh long đi các thị trường quốc tế. Nếu được ngân hàng tạo điều kiện mở rộng hạn mức tín dụng dài hạn, trong năm tới DN của ông Nhân sẽ lên kế hoạch liên kết với các hộ dân để sản xuất các loại sản phẩm từ trái thanh long như rượu, nước ép và tinh dầu hạt thanh long, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Những mô hình DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như kể trên, đang hứa hẹn mang lại sự thay đổi tích cực trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp tại các địa phương. Chính vì vậy việc các NHTM, trong đó đặc biệt là Agribank với dư nợ đến nay đã lên đến khoảng 650 ngàn tỷ đồng rót vào các dự án nông nghiệp – nông thôn sẽ là những đồng vốn mồi rất quan trọng để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực tam nông – vốn là một trong 5 nhóm lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển, với kỳ vọng tăng trưởng trên ở mức 3% và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD vào cuối nay.