Trung Quốc tuyên bố không phá giá tiền tệ
Vòng mới của chiến tranh thương mại: Đong đếm vài thiệt hại với Mỹ | |
Mỹ áp thuế mới lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc |
Phát biểu tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố cảng Thiên Tân hôm 19/9, Thủ tướng Lý dù không đề cập trực tiếp đến xung đột thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng nói rằng, việc nói Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình là “không có căn cứ”.
Ảnh minh họa |
“Sự giảm giá một chiều của đồng nhân dân tệ mang lại cho Trung Quốc nhiều tác hại hơn là lợi ích”, ông nói. “Trung Quốc sẽ không bao giờ dựa vào sự mất giá của nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu”. Trung Quốc sẽ không làm điều đó để theo đuổi “lợi ích nhỏ nhặt” và “một vài đồng đôla lẻ”.
Thủ tướng Lý cũng tiếp tục nhấn mạnh rằng, hệ thống thương mại đa phương của thế giới nên được duy trì và các hành động thương mại đơn phương sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Mỹ sẽ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc kể từ ngày 24/9 tới và có thể nâng thuế suất lên 25% sau năm 2018. Không chỉ vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ kích hoạt vòng thuế quan thứ ba đánh lên 267 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc nếu Trung Quốc trả đũa lại vòng thuế quan sắp được triển khai. Điều đó có nghĩa, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc không hề tỏ ra lo sợ mà ngay lập tức đáp trả bằng việc áp thuế lên 60 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vốn chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào năm ngoái và hiện cũng đã áp đặt hoặc đe dọa thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 110 tỷ USD của Mỹ.
Bởi vậy theo giới quan sát, Bắc Kinh đang cạn dần dư địa để đáp trả thêm bất kỳ mức thuế quan nào khác của Hoa Kỳ trên cơ sở giá trị tương đương. Thực tế đó đã làm dấy lên mối quan ngại Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp khác để trong cuộc chiến thương mại được dự báo có thể sẽ kéo dài.
Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch dự báo, vòng thuế quan thứ hai của Mỹ sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 6,1% trong năm 2019.
Thậm chí Oxford Economics còn cho biết trong một lưu ý rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 có thể giảm xuống dưới 6%; đồng thời cho biết triển vọng căng thẳng giảm bớt trong ngắn hạn là thấp.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng nói thêm rằng “khả năng xuống thang sẽ tăng theo thời gian vì tác động kinh tế ngày càng tăng ở Mỹ sẽ khiến cho nhóm Trump ít hiếu chiến hơn, trong khi Trung Quốc cũng nhận ra rằng sẽ khó có thể hội nhập nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu mà không có một số nhượng bộ liên quan đến mô hình kinh tế cụ thể của mình”.
Tuy nhiên hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ từ cả hai phía. Trung Quốc không sợ “các biện pháp cực đoan” mà Mỹ thực hiện, tờ báo People’s Daily cho biết trong một bài báo trên trang nhất của ấn bản ở nước ngoài hôm thứ Tư. “(Trung Quốc) không lo lắng rằng các biện pháp đối phó thương mại của Mỹ sẽ làm tăng giá hàng hóa trong nước quá nhiều, nhưng thay vào đó sẽ sử dụng nó như một cơ hội để thay thế hàng nhập khẩu, thúc đẩy nội địa hóa hoặc phát triển sản xuất tiên tiến theo định hướng xuất khẩu”.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa công khai chấp nhận lời mời từ tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về việc tổ chức một vòng đàm phán mới. Hôm 19/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết ông không có thông tin về một phái đoàn thương mại và đặt câu hỏi về mức độ thành thật của Mỹ về một cuộc đàm phán mới, lưu ý rằng vòng đàm phán gần đây nhất đã được tiếp theo sau ngay lập tức bằng việc Mỹ kích hoạt các mức thuế mới. “Điều này đã trở thành một loại thói quen của Mỹ”, ông nói.