TTKDTM khu vực nông thôn: Ứng dụng mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp
Hợp lực để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt | |
Yếu tố bảo mật thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt | |
Thanh toán không dùng tiền mặt: Để bắt kịp xu thế |
Cuối năm 2017, cả nước có 60% dân số ở khu vực nông thôn đa phần chưa có tài khoản và gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính. Đó là thống kê được đưa ra trong Báo cáo chỉ số Thương mại Việt Nam năm 2018 của Tập đoàn iPrice. Hay nói cách khác, giao dịch của người dân sống tại khu vực nông thôn ở Việt Nam vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.
Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10% |
Theo thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN), để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực này, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Theo đó, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm đối với ba mô hình: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của PG Bank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn. Thứ hai là dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của CTCP Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn. Thứ ba là dịch vụ chuyển tiền của MB trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới Viettel ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo. Tới cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được hơn 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng gồm cả khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia đánh giá, tỷ lệ TTKDTM tại khu vực nông thôn vẫn còn khiêm tốn. Thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt đã “ăn sâu bám rễ” của người dân khu vực nông thôn; cộng thêm tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Điều này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ cả cơ chế chính sách, công nghệ cũng như giải pháp truyền thông.
Theo Vụ Thanh toán, hiện một trong những hạn chế đối với TTKDTM khu vực nông thôn là chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý, thiếu cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử. Chính bởi thế, trong thời gian tới, để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, NHNN xác định cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý (agent banking), eKYC, tiền điện tử, mở rộng dịch vụ, phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua di động.
Song song với đó cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, trong đó bao gồm việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox Framework) cho lĩnh vực Fintech, công nghệ, mô hình thanh toán mới. Đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng - các công ty Fintech nhằm mở rộng địa bàn và đối tượng phục vụ để cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính tiện ích, phù hợp nhu cầu, chi phí hợp lý tới khách hàng, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính tới người dân ở khu vực nông thôn.
TS. Đỗ Hoài Linh – Đại học Kinh tế quốc dân nhận thấy cần giải quyết một số vấn đề để thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn. Đó là tăng cường tài chính toàn diện; phá bỏ những rào cản về tâm lý và thói quen; hiện đại hoá và phổ cập hạ tầng thanh toán, gia tăng an toàn và cải tiến chất lượng; gia tăng thanh toán không tiền mặt với giao dịch nhỏ; gia tăng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Chia sẻ về giải pháp xây dựng hạ tầng công nghệ thanh toán thương mại điện tử cho khu vực nông thôn, đại diện Viettel cho rằng, cần phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán, cùng với đó triển khai hệ sinh thái thanh toán số - thương mại số - giao vận thông minh hoàn chỉnh, có cách làm và đầu tư bài bản, dài hạn. Theo đó, mỗi người dân đều có thể tham gia bán hàng, giới thiệu hàng hoá thông qua thiết bị di động nhờ tiếp cận miễn phí các công cụ hỗ trợ bán hàng (thanh toán, giao vận, phần mềm hỗ trợ) cũng như các giải pháp hỗ trợ thông minh từ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo giúp tìm kiếm, tiếp cận khách hàng tiềm năng…
Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị nên chú trọng tới phát triển thương mại trên các thiết bị di động (mCommerce). Trong đó tập trung đầu tư phát triển thương mại điện tử tại khu vực nông thôn bằng cách làm từng bước, để có thể tiến tới chuyển dịch sang mô hình thương mại điện tử hoàn chỉnh, đảm bảo sản xuất phải gắn với tiêu thụ.