Từ vùng đất “chiêm khê” đến nấc thang công nghiệp
NHNN chi nhánh Hà Nam triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2017 | |
Hà Nam ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, đầu tư |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng, tăng 23 lần so với năm 1997; thu ngân sách tăng mạnh, đạt gần 4.800 tỷ đồng, gấp hơn 65 lần so với năm tái lập tỉnh.
Trong những bước chuyển kinh tế sáng rạng đó không thể không nhắc tới dẫn dòng huyết mạch kinh tế tỉnh, đó chính là hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của các thành phần kinh tế mà trở thành một đòn bẩy xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam |
Tạo dựng nền móng
Khởi động tái lập tỉnh vào những năm đầu của cơ chế ngân hàng hai cấp, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã tập trung khắc phục, vượt qua khó khăn của thời điểm ban đầu tái lập; khắc phục về bộ máy và cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, để có thể vào cuộc nhanh với công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ một tỉnh vùng chiêm trũng, những ngày sơ khai ấy, trở thành điểm tựa khơi dậy mô hình tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ với trọng tâm sản xuất lương thực, thực hiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Lịch sử còn ghi dấu dòng vốn tín dụng ngân hàng, từ chính sách đến nguồn vốn thương mại bồi đắp cho kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển ngành nghề dịch vụ ở nông thôn trên mảnh đất quanh năm ngập nước…
Nhất là sau kết quả của việc dồn điền đổi thửa năm 1999, dòng vốn tín dụng đã đi cùng các chính sách của tỉnh, kích thích chăn nuôi thủy sản trở thành mũi nhọn tạo chuyển biến trong cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Tính đến 31/12/2016, các TCTD trên địa bàn đã cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 8.267 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ cho vay của NHCSXH, Ngân hàng Phát triển), chiếm 37,63% tổng dư nợ. Xuyên suốt định hướng sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần đưa cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt.
Nhiều đề án sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã được hiện thực hoá và nhân rộng từ dòng vốn ngân hàng, như đề án phát triển chăn nuôi bò sữa; mô hình liên kết 4 nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi; cho vay trồng nấm; dự án Nhà máy bảo quản và chế biến nông sản tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục…
Cùng với đó, tổng dư nợ cho vay 9 chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh đạt 1.520 tỷ đồng, tăng 7,57% so với cuối năm 2015. Nợ xấu thấp chỉ chiếm 0,19% tổng dư nợ. “Vùng đất chiêm khê, mùa thối” cũng vì thế ngày một mới, một khác. Người dân Hà Nam không những làm ra của ăn, của để, dư thừa lương thực, mà còn đang chung sức thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nền kinh tế công nghiệp mỗi ngày thêm rõ khi các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp cũng được khôi phục và đưa vào các làng quê, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng cùng dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần đưa hướng đi này trở thành khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà tỉnh đã kỳ vọng trong giai đoạn 2001-2005.
Đây cũng trở thành nền tảng cho tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển xi măng, các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp Hà Nam giai đoạn 2006-2010.
Đẩy đà công nghiệp
Hệ thống các TCTD trên địa bàn cũng theo nhu cầu của nền kinh tế mà mở rộng và phát triển để đáp ứng và hướng tới những tầm ngắm xa hơn cùng với xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước mà Hà Nam không đi ngoài dòng chảy đó. Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nam đã có 15 chi nhánh ngân hàng cấp 1 cùng 10 QTDND.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các chính sách tiền tệ từ NHNN thêm linh hoạt và mềm mại song hành hai mục tiêu vừa ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo giá trị đồng tiền làm nền tảng thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, một mặt nắn dòng chảy tín dụng theo các định hướng ưu tiên phát triển của Chính phủ, nhưng vẫn đảm bảo lồng ghép những lợi thế, định hướng phát triển kinh tế của riêng tỉnh.
Dòng vốn tín dụng ngân hàng tập trung theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh: công nghiệp “hậu xi măng” theo hướng tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường từ 2010 đến nay.
Cùng với đó, Chi nhánh NHNN đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, tập trung vốn cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD...
Các kế hoạch tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế mà chi nhánh NHNN xây dựng hàng năm và chỉ đạo các TCTD, không chỉ là những khẩu hiệu hô hào chung chung mà hiện thực hoá trong từng kế hoạch hành động.
Có thể kể đến Kế hoạch tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi, thu hút các DN về đầu tư ở tỉnh; cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển các dịch vụ hỗ trợ kèm theo; phát triển mạng lưới hoạt động tại các Khu công nghiệp, Khu Y tế chất lượng cao, Khu đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc.
NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các TCTD tăng nguồn vốn cho vay gắn với triển khai các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt trong năm 2016, NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ với những đường hướng dài hạn hơn.
Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, tổ chức Hội của tỉnh tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin phản ánh, kiến nghị về cung ứng chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn, nhất là về việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN. Tính đến 31/12/2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tỉnh đạt 21.969 tỷ đồng, tăng 32,65% so với năm 2015 và gấp gần 32 lần so với thời điểm tái tập tỉnh.
Trong đó, dư nợ cho vay DNNVV là 6.600 tỷ đồng, tăng 48,28% so với cuối năm 2015 và chiếm 30,04% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn. Dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đạt 5.834 tỷ đồng, tăng 59,05% so với cuối năm 2015, trong đó, dư nợ cho vay tại các khu, cụm công nghiệp đạt 1.203 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,62%.
NHNN tỉnh đồng thời thực hiện tốt công tác đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đặc biệt là các DN FDI thực hiện đăng ký, báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh thông qua Trang điện tử của NHNN.
Đến 31/12/2016 đã xác nhận 185 khoản vay trung, dài hạn nước ngoài với tổng dư nợ hơn 182 triệu USD của 53 DN FDI trên địa bàn, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, tích lũy nguồn lực phát triển trong dài hạn cho tỉnh nhà.
Những nỗ lực từ hệ thống các TCTD đã góp phần đưa một tỉnh thuần nông, khi tái lập số lượng DN đếm trên đầu ngón tay, đến nay đã phát triển lên gần 5.000 DN với 8 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, trong đó có 4 khu công nghiệp đã đi vào khai thác và hoạt động.
Hà Nam đã vươn lên trở thành một tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Năm 2016, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành đạt trên 38 nghìn tỷ đồng, bình quân đầu người đạt trên 48 triệu đồng, tăng 23 lần so với năm 1997.
Biểu dương những kết quả mà các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt được trong năm 2016 và trong 20 năm qua tại Hội nghị tổng kết 2016 và triển khai kế hoạch 2017, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn chỉ ra dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nam còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Vì vậy, Phó Thống đốc kỳ vọng hơn nữa sự nỗ lực quyết tâm rất cao của toàn Ngành không chỉ riêng trong năm 2017. Trên cơ sở các chỉ thị của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2017 sắp được ban hành, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam cần quán triệt, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.
Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, đặc biệt là các giải pháp thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào tỉnh - cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, hiện thực hoá kỳ vọng sẽ trở thành đô thị loại 1 vào năm 2025 như mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra.