Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội cho người nghèo
Biến đổi khí hậu | |
Định giá tổn thất thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu | |
Muốn phát triển bền vững, phải thích ứng tốt |
Việt Nam là một trong 30 nước “có nguy cơ cực đoan” do biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ năm 1990 đến năm 2012, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 457 người, phá hủy hơn 96.000 ngôi nhà, tổng thiệt hại tương đương 1,3% GDP hàng năm. Hơn 500.000 người sống trong phạm vi 200 mét kể từ bờ biển dọc theo chiều dài cả nước, các hộ gia đình ở khu vực này thường bị ảnh hưởng trực tiếp của bão và hầu hết người dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất sống trong các ngôi nhà không an toàn ở các khu vực ven biển.
Đây là một trong những lý do mà các cộng đồng cư dân ven biển thiếu khả năng chống chịu với tác động của BĐKH. Tỷ lệ người nghèo chiếm 23% ở các vùng ven biển, cao gấp hai lần mức trung bình của cả nước, một phần là do những thiệt hại liên quan đến thiên tai.
Chính vì vậy Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam” do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) vừa công bố với số tiền tài trợ là 29,5 triệu USD là một trợ lực cho những người nghèo ở 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, đặc biệt các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thanh Hoá, Quảng Nam, Cà Mau, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Nam Định. Đây là dự án đầu tiên của GCF tại Việt Nam.
Dự án được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT (Cơ quan thẩm quyền quốc gia của Việt Nam với vai trò tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của GCF).
Dự án sẽ tập trung hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai tránh khỏi những tác động do những trận bão lũ thường xuyên xảy ra và cải thiện được sinh kế của các cộng đồng cư dân này. Theo đó sẽ có 4.000 nhà mới xây tại các địa điểm an toàn với những tính năng thiết kế chống chịu bão lụt cho các hộ gia đình “cực nghèo” và “nghèo” theo tiêu chí của Chính phủ với khoảng 20.000 người nghèo và chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai tại 100 xã. Dự án cũng đặt mục tiêu tái sinh 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển làm các vùng đệm chắn triều cường và sóng biển dâng thông qua việc sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng đã thành công.
Dự án sẽ mở rộng và kết hợp với các nỗ lực hiện tại của Chính phủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Đồng thời, tăng cường khả năng của các khu vực tư nhân và công cộng tiếp cận tới những dữ liệu về mất mát, thiệt hại, khí hậu tại 28 tỉnh duyên hải ở Việt Nam.
Theo kế hoạch, các huyện ven biển được lựa chọn sẽ được hưởng lợi từ việc lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đánh giá tổn thương, lập kế hoạch từ việc tăng cường tiếp cận dữ liệu rủi ro có chất lượng. Phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân để tái sinh, trồng lại và duy trì rừng ngập mặn sẽ hỗ trợ các hoạt động sinh kế bền vững tại các xã mục tiêu.
Dự án thực hiện trong 5 năm (2017-2022). Bộ KH&ĐT tư là cơ quan đầu mối quốc gia về các dự án GCF ở Việt Nam. Đơn vị thực hiện dự án này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi đó với các hoạt động nhà ở do Bộ Xây dựng chủ trì và các tỉnh cũng sẽ tham gia cùng thực hiện dự án này.
TS. Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: “Nhu cầu hỗ trợ đầu tư cho BĐKH, giảm thiểu rủi ro và phát triển các bon thấp cho Việt Nam là rất cấp bách”, ông cũng cho biết: “Dự án này sẽ là bước đi đầu tiên trong quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với GCF. Việt Nam mong muốn không chỉ hưởng lợi từ GCF mà còn có thể đóng góp cho GCF cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm của Việt Nam với các quốc gia khác được GCF hỗ trợ”.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc, Đại diện Thường trú của UNDP nhấn mạnh: “UNDP đang làm việc với Chính phủ về các sáng kiến để thúc đẩy việc tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt tác động đến người nghèo ở khu vực nông thôn, nhiều người trong số đó là phụ nữ hoặc thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của UNDP trong việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả dự án này nhằm tăng cường khả năng chống chịu tác động của BĐKH cho các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương ở Việt Nam.