Ước vọng một quốc gia khởi nghiệp
Điều gì đang cản trở khởi sự kinh doanh? | |
Nếu có năng lực và hội tụ đủ điều kiện, hãy mạnh dạn khởi nghiệp | |
Hướng đi nào cho những người muốn khởi nghiệp? |
Chúng ta bước vào năm 2016 với nhiều cơ hội mở ra từ hội nhập, nhưng gánh nặng cũng đè lên vai cả các cơ quan Nhà nước và cộng đồng DN.
Cải cách chưa đáp ứng kỳ vọng DN
Năm 2015 kết thúc với những thành tích ấn tượng, ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục đà tăng trưởng. Cộng đồng DN cũng đánh giá cao việc bước đầu triển khai thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư mới và Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a/NQ-CP về thực hiện Chính phủ điện tử… Đây là những đột phá quan trọng.
Cộng đồng DN cũng ghi nhận những chuyển động tích cực, mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ, ngành và địa phương. Chúng ta hoan nghênh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nỗ lực cổ phần hóa DNNN và xã hội hóa dịch vụ công ở Bộ Giao thông - Vận tải… Đó là những thực tiễn tốt cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là đổi mới thể chế. Muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở nên giàu mạnh thì phương cách duy nhất là tiếp tục kiên định đổi mới, đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết liệt hội nhập. Nhưng không chỉ Chính phủ mà cả DN cũng phải đổi mới tư duy.
Khu vực DNNVV trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu |
Cải cách thể chế nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa.
Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là: DN tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
Đây là một lực cản đáng kể để các DN không lớn lên được và quy mô bình quân của DN Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây. Chúng tôi đề nghị có biện pháp khắc phục việc này.
Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh, chúng tôi quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của DN trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của DN hiện nay.
Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và toà án huỷ các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
Việt Nam - quốc gia khởi nghiệp
Điều rất đáng khích lệ với cộng đồng DN là trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần khẳng định chúng ta không thể giành thắng lợi trên mặt trận kinh tế nếu không có toàn dân làm kinh tế. Và mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước.
Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn “cô đơn” trong nền kinh tế, không thay đổi được điều này thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ không trở thành động lực của phát triển.
Năm 2016, kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực phát triển kinh tế |
Trong khi DNNN đã có những tiến bộ nhất định, đã có độ lùi cần thiết nhường dư địa cho khu vực kinh tế khác, thì tiếc thay, DNNN lùi đến đâu là FDI tiến lên đến đấy, mà quy mô DN tư nhân thì vẫn vậy. Vì thế, 10 năm nay tỷ trọng của DN tư nhân trong nền kinh tế vẫn giữ như thế.
Lý do là, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh. Chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương của các FDI. Khu vực DNNVV trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ.
Sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực đang là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới hiện trạng trên. Công nghệ thì DN có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học. Đưa nội dung dạy nghề vào trường phổ thông và tạo ra đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới.
Vì vậy, cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế với bằng cấp của Việt Nam được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập sau yêu cầu hội nhập về thể chế.
“Thách thức lớn nhất vẫn là đổi mới thể chế. Muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình và trở nên giàu mạnh thì phương cách duy nhất là tiếp tục kiên định đổi mới, đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết liệt hội nhập. Nhưng không chỉ Chính phủ mà cả DN cũng phải đổi mới tư duy”. |
Chúng ta đang kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của DN tư nhân để lấp được khoảng trống mà DNNN đã lùi ra, để trở thành động lực tăng trưởng nhưng chúng tôi cũng mong tạo động lực phát triển cho kinh tế tư nhân. Phải ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân, người dân là yếu tố quyết định sự thành bại của nền kinh tế, đây là nội lực mang tính quyết định. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ, điều rất quan trọng để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu của người dân.
Năm 2016 sẽ là năm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và lấy lại đà tăng trưởng và thừa nhận kinh tế tư nhân là động lực thì sẽ là thông điệp thúc đẩy toàn dân làm kinh tế. Đây sẽ là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của người Việt Nam. Với động lực cải cách trong nước và cơ hội rất to lớn từ các FTA, chúng ta có thể huy động nhiều nguồn lực hơn cho phát triển cả trong nước và ngoài nước. Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn…
Để nâng cao chất lượng DN thành lập mới trong nền kinh tế Việt Nam, đề nghị Chính phủ có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các DN và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm DN, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp đặc biệt là trong lớp trẻ, đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp.
Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng Đã có sự chuẩn bị cho thời kỳ hội nhập Khi TPP có hiệu lực, bên cạnh những thuận lợi, TPP cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt với ngành đặc thù và nhạy cảm như ngân hàng. Việc gia nhập TPP, các NHTM phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm của hệ thống để đáp ứng yêu cầu của hội nhập và thực hiện các cam kết, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Khi hội nhập đòi hỏi môi trường pháp lý phải được cải thiện để thực hiện các cam kết quốc tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích các luồng vốn chảy vào trong nước thông qua đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài. Riêng Vietcombank Đà Nẵng vấn đề này đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đó là sự chuẩn bị khá kỹ càng về công tác nhân sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi hội nhập. Đặc biệt, chi nhánh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên thành thạo về các phương thức giao dịch theo chuẩn quốc tế và ứng dựng công nghệ ngân hàng hiện đại, sẵn sàng bước vào thời kỳ hội nhập. |
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Giày Vinh Thông: DN cần trang bị kiến thức cho mình Với kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm trên 10 triệu USD và chủ yếu xuất đi 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào TPP thực sự đã mở ra cơ hội lớn cho Vinh Thông nói riêng và nhiều DN trong ngành hàng da giày xuất khẩu nói chung. Thực tế, từ trước đến nay EU luôn là thị trường truyền thống và trọng tâm đối với các DN may mặc, giày da, túi xách. Việc bỏ thuế suất (0%) dự kiến sẽ giúp các DN gia tăng đơn hàng, lợi nhuận và mở rộng thị trường sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật... Dự kiến, sản lượng hàng hóa xuất khẩu có thể tăng ít nhất từ 50 – 100% so với kim ngạch hiện tại. Tuy nhiên, chắc chắn song hành cùng với những thuận lợi sẽ là không ít khó khăn thách thức, nhất là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu rất khắt khe đòi hỏi DN phải tự nâng cao trình độ và vượt qua. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia lại có những quy định cụ thể riêng, nếu DN xuất khẩu không nắm chắc rất dễ vướng kiện tụng, mất thị trường. Một trong những yếu điểm của các DN Việt Nam là hiểu biết về luật pháp, đặc tính của thị trường các nước còn khá hạn chế vì vậy khi “đem chuông đi đánh xứ người” mà không am hiểu luật chơi sẽ dễ thất bại. Điều này đòi hỏi đã tham gia sân chơi lớn thì DN dù lớn hay nhỏ, trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng cần trang bị cho mình kiến thức, khả năng thích nghi, vươn lên để đứng vững và làm chủ thị trường. |
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TP. Hồ Chí Minh: Liên kết tạo sức mạnh, nắm bắt cơ hội Đến nay các chủ trương, chính sách khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cơ bản hoàn chỉnh và chỉ 1-2 năm nữa sẽ được triển khai thực thi, phát huy tác dụng. Có thể nói, TPP đã tạo ra lại cơ hội lớn cho các DN Việt Nam, đặc biệt đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu. Đối với các quốc gia hội nhập TPP, trong đó có Việt Nam sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp và điều này tạo môi trường thuận lợi, minh bạch để các DN phát huy tối đa khả năng của mình. Từ đó có cơ hội nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa sản phẩm, sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Tuy nhiên, với đặc thù của các DN nội với quy mô vừa và nhỏ, năng lực kinh nghiệm còn nhiều hạn chế nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như thay đổi để thích nghi, các DN sẽ rất dễ bị đào thải bởi phải chịu sức ép, sự cạnh tranh ngay trên sân nhà với nhiều đối thủ mạnh. |
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group: Cần phòng vệ cho hàng hóa Việt Khi hội nhập, cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Bởi thực tế cho thấy, DN Việt có quy mô sản xuất nhỏ, đầu tư manh mún, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, môi trường làm việc, an toàn lao động… Trong khi đó, quy trình quản lý, bán hàng, tiếp thị còn thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh yếu so với hàng hóa nhập từ nước ngoài. Sự thiếu minh bạch trong kinh doanh cũng có thể khiến DN Việt đối mặt với khó khăn. Đơn cử vừa qua, trên thị trường xuất hiện một số DN vì cái lợi ích trước mắt đã nhập hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài rồi gắn nhãn mác hàng Việt để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngược. Đây là điều rất nguy hiểm, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hóa của DN Việt. Vì vậy khi hội nhập, vai trò của các hiệp hội DN là rất quan trọng. Hiệp hội có vai trò kết nối, giúp chia sẻ thông tin, hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, giúp thống kê, xây dựng các tiêu chí xuất khẩu, tận dụng lợi thế ưu đãi gia nhập cuộc chơi hội nhập để DN cạnh tranh một cách công bằng. |
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Dana - Ý: DN đã sẵn sàng Từ năm 2016, hàng loạt các hiệp định thương mại đã được Việt Nam ký kết với các nước; các cộng đồng kinh tế, sẽ được thông qua và có hiệu lực. Dẫn đến, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn mới, giai đoạn của sự hội nhập sâu rộng với thương trường quốc tế. Khi đó, “quả bóng” của DN Việt không những lăn ở “sân” nhà mà có thể lăn trên “sân” của nhiều quốc gia và ngược lại. Cuộc chơi này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với DN Việt. Vì vậy, để giữ vững phong độ cạnh tranh với các “cầu thủ” ngoại, đòi hỏi DN phải có sự chuẩn bị chu đáo về năng lực tài chính, năng lực quản trị, nguồn nhân lực… Trong đó, quan trọng là phải có chiến lược phát triển dài hạn của mỗi DN để thích ứng với thị trường. Đối với Dana – Ý, xác định hội nhập là không thể tránh khỏi, nên trong hơn 2 năm qua, DN đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất. Chúng tôi đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền cán và luyện thép, có tổng công suất 400 nghìn tấn/năm. Đây là dây chuyền công nghệ châu Âu, tiết kiệm nguồn năng lượng và đảm bảo môi trường. Những thay đổi trên, giúp DN thích ứng với điều kiện thị trường, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu. Do đó, Dana – Ý rất tự tin và sẵn sàng hội nhập. |