Điều gì đang cản trở khởi sự kinh doanh?
Từ khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, số lượng DN thành lập mới đang tăng nhanh. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015 có 94,7 nghìn DN mới đăng ký.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn là một con số khiêm tốn, và để phát triển kinh tế thì Việt Nam cần nhiều hơn thế. Bởi đến nay, số lượng DN cả nước mới chỉ dừng ở con số hơn 500 nghìn DN và có tỷ lệ thấp hơn nhiều nước nếu tính về số DN trên mỗi 100 nghìn dân. Đây sẽ là một hạn chế, làm giảm sức mạnh, nhất là quy mô nền kinh tế.
Ngoài vấn đề nhận thức thì khó khăn về tài chính cũng đang gây cản trở khởi nghiệp |
Vậy điều gì đang cản trở hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam? Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân đôi khi đến từ chính những người thân trong gia đình. Trước câu hỏi “Đối thủ đáng nói nhất đối với một DN mới thành lập là gì? ông Csaba Bundik, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam (CEEC), cho rằng, kẻ thù lớn nhất trong khởi nghiệp là bố mẹ, là bạn thân, vợ (chồng)…
“Khi nhắc đến 2 chữ “khởi nghiệp”, khả năng bạn bị người thân ghét là rất cao. Do quan tâm đến bạn, bạn bè và người thân của bạn đều cho rằng bạn cần có công việc ổn định để có thể gánh vác, giúp đỡ gia đình”, ông Csaba Bundik đánh giá.
Theo ông Csaba Bundik, mọi người đều cho rằng nếu làm việc trong một cơ quan Nhà nước là ổn định. Với một công việc như vậy, người ta sẽ có thu nhập hàng tháng, có thể không cao lắm nhưng nói chung cuộc sống sẽ ổn định. Và sau đó một thời gian, bạn có thể tận dụng thời gian rảnh để làm thêm kiếm tiền.
Dưới góc độ DN, một DN mới khởi sự kinh doanh chè xuất khẩu chia sẻ rằng khó khăn của DN thì nhiều, nhưng “cái đầu tiên lúc khởi nghiệp mà bản thân tôi gặp phải chính là gia đình, với nhiều tác động thiếu tích cực…”.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta cần làm sao để việc trở thành người kinh doanh phải trở thành sự lựa chọn hàng đầu của những người ưu tú.
Bên cạnh vấn đề nhận thức, các chuyên gia cũng nhận định, khó khăn về tài chính cũng đang là yếu tố cản trở khởi nghiệp, do việc huy động vốn từ các nguồn như tiết kiệm, vay của bố mẹ, bạn bè hay vay ngân hàng là điều thực sự khó thực hiện.
Cụ thể, theo khảo sát của Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ-KH&CN), DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN gặp nhiều trở ngại, như khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách ưu đãi hạn chế; khó tiếp xúc được các quỹ đầu tư do nguồn lực kinh tế hạn chế, không đủ vốn đối ứng, khó tiếp cận vốn vay do không có tài sản thế chấp.
Có một thực tế là hiện nay, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đang tập trung vào các DN trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, sau một thời gian nở rộ lại bị trầm đi, nguyên nhân có thể do chất lượng sản phẩm của các DN khởi nghiệp không được như kỳ vọng, cho dù họ biết tiềm năng của DN khởi nghiệp rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP sản xuất - XNK Việt Phúc cho rằng, để thực hiện mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2020, gấp hơn 3 lần hiện nay, những chương trình như Chương trình Khởi nghiệp là vô cùng quan trọng.
“Chúng ta không chỉ cần có Cuộc thi Khởi nghiệp hàng năm để tìm ra những ý tưởng kinh doanh tốt, mà còn cần tìm nguồn xã hội hóa hỗ trợ để giúp dự án triển khai thực tế và có chương trình quảng bá cho những DN khởi nghiệp thành công, qua đó tăng cường sự quan tâm đầu tư từ xã hội dành cho cộng đồng DN khởi nghiệp”, bà Lan Hương cho biết.