Hướng đi nào cho những người muốn khởi nghiệp?
Theo các chuyên gia kinh tế, với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt tới đây là gia nhập hàng loạt các hiệp định tự do thương mại lớn thì cách thức làm ăn chụp giật, dựa dẫm sẽ khó còn cửa để tồn tại.
Ảnh minh họa
Bỏ tư duy làm ăn chụp giật
Nhận định của các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các DN trong thời gian vừa qua, với gần 61.000 DN giải thể và ngừng hoạt động trong riêng năm 2013, là cách thức làm ăn chụp giật đã cho thấy tính ngắn hạn, chỉ tập trung nhắm tới những lợi ích trước mắt. “Có thể làm ăn theo cách này, lợi nhuận mang lại rất cao, nhưng rất ngắn hạn trong khi bản thân trong đó đã chứa đựng nhiều rủi ro. Và khi không tiết chế được lòng tham, chạy theo ngắn hạn, phong trào thì rất dễ đổ vỡ” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.
Nhưng bà Lan cho rằng, tư duy, cách làm ăn này không phải chỉ là lỗi của DN mà lỗi “từ chính sách, từ những cách khuyến khích dẫn đến hệ quả định hướng cho DN sẽ chạy theo hướng nào” – bà Lan bình luận và tin rằng: “Nếu như hệ thống khuyến khích của Nhà nước lâu nay tập trung vào những nhân tố như công nghệ cao, đi vào sáng tạo, đi vào chất lượng, đi vào năng lực cạnh tranh cốt lõi thì có thể dẫn dắt DN Việt Nam theo hướng đó”.
Hiện tượng những người khởi nghiệp bằng quan hệ, bằng tận dụng các cơ hội như quen vị quan chức này, thân ông lãnh đạo kia không hiếm. Một hiện tượng cụ thể là từ chỗ thân quen, có những vị ở chính quyền địa phương có thể giới thiệu cho DN tham gia vào mảnh đất này, dự án kia để kéo DN vào làm ăn. DN vì “tham” mảnh đất đó nên nhảy vào đầu tư. Lúc được thì khỏi nói, nhưng lúc thua lỗ và dự án không phát triển được như kế hoạch ban đầu thì nguy cơ DN “chết” gần như là chắc chắn.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI), một trong những lý do chủ yếu khác khiến số lượng DN ngừng hoạt động tăng vọt trong những năm qua ra là do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. “Khảo sát tại Hà Nội, có 24% DN xây nhà máy xong là chết”. Sao lại như vậy? các DN này tham to, hoành tráng về quy mô trong khi vốn thì chủ yếu vay ngắn hạn từ ngân hàng. “Đem vốn ngắn hạn đầu tư vào toàn bộ tài sản cố định, nhà máy xây xong thì hết tiền, không còn vốn lưu động, ngân hàng thì lo ông làm ăn kiểu này không ổn nên cắt tín dụng, thế là chết” – TS. Nghĩa lý giải.
Mấu chốt thành công
Để khởi nghiệp thành công, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, điều đầu tiên là cần có tham vọng. “Phải có tham vọng và biến tham vọng ấy thành ý chí. Ý chí lại phải đủ lớn, đủ mạnh để có thể chuyển thành cảm hứng phát triển cho cả người khác để cùng mình hành động” – ông Thiên nói.
Và khi nói đến điều này, ông không quên nhắc lại một hiện tượng buồn: “Điều này rất quan trọng vì chúng ta sống trong bao cấp quen rồi, ý chí cứ “lẹt đà lẹt đẹt”, toàn muốn dựa vào người khác, từ cách nghĩ đến quyết định hộ… sáng tạo cá nhân không có”. Phải chủ động nắm bắt cơ hội, tránh tư tưởng thụ động, “chờ sung” là quan điểm được TS. Thiên đưa ra với những người muốn khởi nghiệp kinh doanh.
Còn theo TS. Nghĩa, trước khi khởi nghiệp, một trong những vấn đề đầu tiên cần nghĩ tới là tránh mọi sai lầm đã được nêu ra bên trên. Đồng thời, có 2 yếu tố mà mỗi cá nhân trước khi bắt đầu khởi nghiệp cần quan tâm là: Có một kế hoạch kinh doanh rất cụ thể, khả thi trên nền tảng khảo sát thị trường thật kỹ lưỡng, tránh vội vã bắt đầu với những ý tưởng kinh doanh không rõ ràng. Cùng với đó, cần có một nguồn lực tài chính nhất định. Tiền nhỏ thì làm nhỏ, không tham sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Trong khi đó theo bà Lan, để từ bỏ cách làm ăn chụp giật, ngắn hạn, hãy mạnh dạn nói “không” khi xuất hiện những cơ hội kinh doanh phát sinh chỉ nhờ quan hệ, trong khi bản thân mình không am hiểu, không đam mê với nó. “Khi có tư duy sâu xa hơn và quyết tâm tự đứng trên đôi chân của mình, các bạn sẽ thấy chân trời rộng và bền vững hơn nhiều” – bà Lan nói.
Đơn cử, nói đến cơ hội cho dệt may có thể xuất khẩu đến 50 tỷ USD vào năm 2030 khi TPP có hiệu lực thì không phải chỉ do những người đạp máy khâu mà ra. Nó còn nhờ ở những người làm nhuộm, làm dệt, làm cúc, làm chỉ… “Hãy nghĩ chỉ cần tham gia một khâu nào đó thôi, như làm ra những sợi chỉ thật tốt để cung cấp cho các nhà máy may và xây dựng mối liên kết ấy thật vững thì cũng là thành công rồi” - nguyên Phó Chủ tịch VCCI đưa ra lời khuyên.
Những thanh niên trẻ tuổi trước khi khởi nghiệp cũng cần phát huy tinh thần tích cực học hỏi. Một hiện tượng khá “lạ” ở Việt Nam là thư viện thì vắng, quán bia, quán nhậu thì đông. “Tuổi trẻ mà xói mòn tâm lực vào những chốn như vậy thì lấy đâu ra sức mạnh và làm sao mà đòi hơn thiên hạ được” – TS. Nghĩa nói trước hàng trăm sinh viên, các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp trong chương trình Leader Talk 3 gần đây mà không giấu khỏi nỗi buồn.
Tinh thần phải học hỏi, sáng tạo cũng được TS. Trần Đình Thiên nêu ra. Ông cho biết các DN Trung Quốc họ có tư tưởng: “Không có sản phẩm nhỏ, chỉ có thị trường lớn”. Một ví dụ là cả một làng của nước này chỉ chuyên làm đầu bút bi. Dù không phải là những người làm đầu bút bi đầu tiên nhưng quan trọng là họ không coi việc làm đầu bút bi như vậy là nhỏ trong khi lại thấy thị trường cho sản phẩm ấy rất lớn. Và thế là chỉ mấy năm sau, làng này đã thống trị luôn toàn thế giới về sản xuất đầu bút bi.
Tính sáng tạo cũng là điều mà các DN Việt Nam chưa làm tốt. “Đến một tỉnh của Nhật Bản, tôi thấy họ trồng thủy canh cây mướp đắng - giống lấy từ tỉnh Quảng Nam của Việt Nam vài năm trước. Giống mướp đắng họ làm ra cực to, nhưng quan trọng hơn từ loại trái cây này, họ đã nghĩ ra tới vài chục sản phẩm liên quan. Trong khi đó, mướp đắng tại Việt Nam dù đã có hàng nghìn năm cũng chỉ loanh quanh vài sản phẩm” – TS. Thiên nói. Điểm lại, các sản phẩm từ mướp đắng tại nước ta lúc này loanh quanh mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng sống với ruốc; trà khổ qua…
Và như thế, chúng ta vẫn chỉ trồng, nuôi nguyên liệu để cho doanh nhân nước ngoài thống trị khâu chế biến - công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao nhất của một sản phẩm trên thị trường tiêu dùng quốc tế.
Hồng Quân