USD giảm mạnh sau số liệu bán lẻ yếu tại Mỹ; tương lai phụ thuộc vào Fed
Đồng yên Nhật vẫn sụt giảm so với USD dù Bắc Triều Tiên vừa bắn tiếp một quả tên lửa |
Doanh số bán lẻ tại Mỹ bất ngờ giảm 0,2% trong tháng 8 khi cơn bão Harvey đã kéo giảm nhu cầu mua xe cơ giới. Diễn biến này trái ngược với dự báo của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters là doanh số bán lẻ tăng 0.1%.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tiếp tục tăng giá mạnh sau khi các nhà hoạch định chính sách của NHTW Anh để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới. Nhà hoạch định chính sách BoE Gertjan Vlieghe cho biết "thời điểm thích hợp cho sự gia tăng lãi suất có thể sẽ sớm ngay trong những tháng tới".
Những bình luận đó đã hỗ trợ đồng bảng có phiên giao dịch tốt nhất kể từ tháng 4 năm ngoái và đẩy bảng lên mức cao nhất kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu hồi tháng 6/2016, đồng thời cũng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất của đồng bảng so với đồng USD kể từ tháng 10/2009.
Theo đó, trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng bảng Anh có thời điểm đã tăng lên trên 1,36 USD, tuy nhiên sau đó lại giảm nhẹ trở lại và đóng của mức 1,3595 USD.
Đồng euro tăng 0,22% lên 1,1945, tiến sát mức đỉnh 2,5 năm của tuần trước.
Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch cuối tuần là dường như các nhà đầu tư không mấy quan tâm đến vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên.
Trên thực tế, ban đầu đồng yên – một tài sản an toàn – cũng tăng giá so với USD sau khi Bắc Triều Tiên bắn tiếp một tên lửa vào đầu ngày thứ Sáu, bay qua đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sau đó đồng đồng yên lại quay đầu giảm. Sự sụt giảm của đồng yên so với đồng USD trong phiên hôm thứ 6 đã làm nảy sinh những câu hỏi về sự sẵn sàng mua tài sản Nhật các nhà đầu tư khi Nhật Bản đang trong “tầm ngắm” của Bắc Triều Tiên.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, đồng USD giao dịch ở mức 110,83 JPY/USD, tăng tăng 0,54% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.
Mặc dù vậy tính chung trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ só đồng USD giảm 0,3% xuống còn 91,868 điểm.
Theo các nhà phân tích, tuần tới thị trường sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách tháng 9 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ diễn ra ngày 19-20/9, cuộc họp mà Fed được dự kiến sẽ thông báo bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, Fed cũng được dự báo sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp này.
“Giọng điệu và quan điểm của Fed được thể hiện trong thông báo của FOMC và cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tuần tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình kỳ vọng về lãi suất, kế hoạch cắt giảm bảng tài sản của Fed và diễn biến đồng đôla Mỹ trong tương lai”, James Chen – Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Forex.com ở Bedminster, New Jersey cho biết.