Vàng hết thời “mật mỡ”
Giá vàng 28/5/2018: Sụt giảm trái với kỳ vọng | |
Nhu cầu vàng toàn cầu giảm 7% trong quý đầu năm, thấp nhất kể từ 2008 |
Tuần qua, Tổng thống Mỹ đã có thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, từ chối tiếp tục xúc tiến thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên tại Singapore, trước đó được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới. Gần như ngay lập tức sau đó, giá vàng thế giới bật tăng, vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 USD/oz. Đồng thời, lực tăng của đồng USD bị cản lại.
Ảnh minh họa |
Theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng được điều chỉnh theo nhưng với mức tăng rất nhẹ, chưa đến 100.000 đồng/lượng. Thời điểm chiều ngày 25/5, giá vàng SJC được các đơn vị kinh doanh vàng niêm yết quanh mức mua vào 36,60 triệu đồng/lượng, bán ra 36,75 triệu đồng/lượng. Theo khảo sát của phóng viên, thị trường vàng miếng tiếp tục trầm lắng, cung - cầu không có biến động nhiều. Vàng dường như đã không còn hấp dẫn.
Trong một động thái liên quan, trung tuần tháng 5/2018, BIDV xin đóng cửa một số điểm kinh doanh vàng. Đây chỉ là thủ tục hành chính bình thường, theo quy định tại Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, DN, TCTD phải thông báo bằng văn bản cho NHNN… Nhưng, động thái này đã khiến nhiều người giật mình và một lần nữa ngó lại hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Thông tư 16 (có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2012), tất cả DN, TCTD kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép. Thực hiện quy định này, thời điểm tháng 1/2013, đã có 22 NHTM và 16 DN được NHNN cấp phép mở gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước. Cùng với việc quản lý, giám sát chặt các điểm kinh doanh vàng, ngành Ngân hàng phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra những biện pháp đồng bộ đưa thị trường vàng vào quy củ.
Ngay thời gian đó, thị trường vàng đã có dấu hiệu ổn định. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần thu hẹp. Trước đây, có những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới vài triệu đồng/lượng, tạo nên “mảnh đất” màu mỡ cho những người đầu cơ, lướt sóng. Nhưng đến đầu năm 2018, có ngày khoảng cách này chỉ còn 200 ngàn đồng/lượng. Sự ổn định của thị trường vàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành tỷ giá nói riêng và điều hành chính sách tiền tệ nói chung.
Theo đó, biến động của giá vàng trong nước không còn tác động bất lợi đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và nền kinh tế vĩ mô. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế. Nguồn lực vàng bước đầu đã chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngành Ngân hàng đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp; Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng miếng; Phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan để quản lý thị trường vàng theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ…
Bên cạnh đó, NHNN đang nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh quản lý mới. Đồng thời, NHNN tiếp tục hoàn thiện Đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”.
Theo đó, bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, Đề án cũng tập trung vào các giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị đồng Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, khuyến khích người nắm giữ vàng tự nguyện bán vàng, qua đó từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh…