Vĩ mô ổn định, sức hút kiều hối trở lại
Nhiều ưu đãi khi nhận kiều hối tại PVcomBank | |
Phát triển dịch vụ hỗ trợ hút kiều hối | |
Đa dạng các kênh thanh toán kiều hối |
Ảnh minh họa |
Nếu nhìn vào con số kiều hối chuyển về Việt Nam của năm 2016 giảm tới 33% so với năm trước đó thì thông tin được lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tiết lộ với báo chí tuần qua về số kiều hối chuyển về là điều đáng mừng. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cách đây 2 tháng là 2,1 tỷ USD.
Thực ra, kiều hối chuyển về Việt Nam đã có thời gian liên tục tăng trưởng từ năm 2010 đến năm 2015. Nhưng năm 2015 khi đạt được con số kỷ lục với 13,2 tỷ USD kiều hối thì một năm sau đó lại giảm tới 33%. Phân tích từ nhiều góc độ khác nhau về sự sụt giảm này có ý kiến cho rằng, do nền kinh tế ở nhiều nước trên thế giới còn khó khăn nên kiều bào trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy cũng khó “có của ăn, của để” chuyển về quê hương. Cùng với đó trong những năm gần đây lượng người đi xuất khẩu lao động ở một số nước châu Á giảm do thu nhập của người lao động ở nhiều nước không ổn định và người dân cũng không ít lần bị công ty môi giới xuất khẩu lao động “đem con bỏ chợ”.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về trong năm 2016 sụt giảm còn do kiều bào vẫn mang tâm lý nghe ngóng thông tin từ phía cơ quan quản lý trong điều hành chính sách. Nhưng với sự kiên định của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là triển khai chính sách điều hành tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Chính sách điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết thanh khoản tiền đồng hợp lý, theo dõi sát tình hình thanh khoản thị trường và trạng thái ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá mua phù hợp, đúng thời điểm... đã giúp thị trường ngoại tệ, tỷ giá về cơ bản ổn định.
Đến ngày 28/8/2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,28%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,14%, tỷ giá của NHTM mà đại diện là Vietcombank giảm 0,09% so với cuối năm trước. Thị trường tiền tệ ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt lãi suất giảm đã hỗ trợ rất lớn cho sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này đã tạo nên sức hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, từ đó kiều hối tăng trở lại. Dự báo lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Có thể thấy các giải pháp cũng như động thái điều hành của Chính phủ gần đây luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, vị thế của đồng Việt Nam được nâng cao… Cùng với đó các dịch vụ ngân hàng ngày càng phát triển và hiện đại, thuận tiện hơn trong việc nhận tiền kiều hối.
Trong đó, nhiều ngân hàng đã thành lập các công ty chuyển kiều hối và các dịch vụ hiện đại. Đơn cử như Công ty THHH MTV Chuyển tiền toàn cầu VietinBank; Công ty Kiều hối DongABank. Hay như dịch vụ dùng tài khoản Agribank để nhận kiều hối từ Lithuania Post, trong trường hợp chuyển tiền vào tài khoản VND, Agribank sẽ tự động quy đổi theo tỷ giá niêm yết của Agribank tại thời điểm thực hiện quy đổi.
Và mới đây, CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) hợp tác với Công ty Tài chính viễn thông và Thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) triển khai thành công dịch vụ chuyển tiền nhanh liên quốc gia với chiều nhận tiền từ Hàn Quốc về Việt Nam cho Agribank. Khách hàng thụ hưởng có tài khoản VND tại Agribank sẽ nhận được tiền gửi từ 10 ngân hàng Hàn Quốc là thành viên của KFTC chuyển về Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, nhiều điều kiện cả về vĩ mô cũng như các chính sách, điều hành, dịch vụ ngân hàng đang hỗ trợ tốt và thuận lợi cho kiều hối chảy về Việt Nam trong thời gian tới.