Với không gian hồ Gươm
Hà Nội quyết không để hàng rong hoạt động trong phố đi bộ | |
Triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm: Cần sự chung tay của cả cộng đồng |
Cần thiết xây dựng phố đi bộ
Nhiều người dân Thủ đô, du khách đồng tình, nô nức thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tham gia một số trò chơi dân gian, dạo phố sách… trong không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức phân luồng giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh, công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, y tế, phát wifi miễn phí tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật...
Tham gia trò chơi dân gian |
Trò chuyện với nhiều người dân, du khách, đa phần ý kiến cho rằng việc triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm, tạo điểm nhấn và kết hợp với các tuyến khu vực phố cổ sẽ tăng khả năng phát huy giá trị của Hà Nội nói chung, không gian Hồ Gươm nói riêng.
Theo cựu chiến binh Nguyễn Dương (phố Hàng Khay), khu vực quanh Hồ Gươm từ năm 1970 có vẻ đẹp trầm mặc, kiến trúc chung quanh hài hòa, chủ yếu là xe đạp lưu thông quanh hồ. Sau này sự phát triển bùng nổ của các phương tiện xe cơ giới đã làm mất sự tĩnh lặng, và việc xây dựng phố đi bộ là một chủ trương đúng đắn.
Ngược thời gian, có thể thấy niềm mong mỏi và ý tưởng về không gian đi bộ được hình thành từ cách đây 20 năm. Năm 2004 các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào kéo ra chợ Đồng Xuân trở thành phố đi bộ trong những ngày cuối tuần. Năm 2014 có thêm phố Tạ Hiện và Đào Duy Từ.
Kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức, Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc- Hội KTS Việt Nam cho biết: “Việc này đúng ra phải thực hiện từ lâu, song đến giờ chúng ta mới làm được, nhưng bà con vẫn rất háo hức”. Không gian Hồ Gươm có vị trí đặc biệt, là bộ mặt của thành phố nghìn năm văn hiến. Cần biến không gian quanh Hồ Gươm thành phố đi bộ vào những ngày cuối tuần một cách lâu dài và bền vững. Từ đây không chỉ mang lại những giá trị tinh thần mà còn tạo cơ hội phát triển du lịch, phát triển kinh tế cho người dân quanh khu vực.
KTS Mochizuki Shinichi đến từ Nhật Bản, là điều phối viên của Tuần lễ Giao thông châu Âu (EMW), phụ trách chương trình “Ngày không khói xe - Car Free days” Nhật Bản và châu Á. Ông nói: TP Hà Nội rất sáng suốt khi tổ chức phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Tại sao một nơi có khung cảnh đẹp đẽ như thế này, có nhiều dấu ấn lịch sử lại cho ô tô xe máy ầm ầm chạy qua với rất nhiều khí thải, còn người tham gia giao thông thì chỉ chăm chú vào tay lái mà không cảm nhận được vẻ đẹp của thành phố với cây xanh, mặt nước tràn ngập, thụ hưởng không khí ấm áp, vui vẻ của con người với nhau. Chỉ có đi bộ tại đây mới có cảm xúc đó.
Khắc phục dần những hạn chế
Mục tiêu của thành phố Hà Nội là xây dựng Thủ đô với tiêu chí “Xanh -Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển du lịch. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu ấy là điều khá khó khăn. Nhìn vào thực tế những ngày thí điểm thì thấy, việc tổ chức giao thông vẫn chưa tốt, gây tắc nghẽn ở một số tuyến phố và các cơ quan chức năng cần khắc phục về giao thông, vệ sinh môi trường, bày bán hàng hóa.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn rõ một số vấn đề bất cập không phải do Ban tổ chức, mà do chính người tham gia có ý thức kém. Người dân cần phải tập thói quen văn minh đô thị. Chúng ta biết rằng, ở những địa điểm công cộng lừng danh thế giới như tháp Eiffel (Paris - Pháp), mỗi năm đón hơn 10 triệu du khách mà cũng chỉ có một nhà vệ sinh ở dưới chân tháp. Thế nhưng vệ sinh môi trường rất bảo đảm.
Một khía cạnh khác mà nhiều chuyên gia trăn trở, là cơ quan chức năng đã chuẩn bị gì để “nuôi” các tuyến phố này? Tức là cần tạo dựng điểm nhấn, sự hấp dẫn lâu dài của tuyến phố đi bộ trung tâm, trong một không gian đẹp và văn hóa.
Lại có ý kiến cho biết cần phải tổ chức bán hàng, điểm dừng chân cho du khách. Một số ý kiến trái chiều thì cho rằng, không gian đi bộ chỉ cần như vậy đã đủ. Không nên bày bán hàng ở khu vực này, không biến không gian yên bình này thành cái chợ.
Nhìn nhận sâu sắc những khiếm khuyết cụ thể, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, cho biết đơn vị tiếp tục nhận ý kiến đóng và khắc phục những tồn tại, chủ động hơn trong công tác phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cơ quan chức năng cần đúc rút kinh nghiệm từ các phố đi bộ trong khu vực phố cổ, đồng thời xem xét chỉnh đốn việc tổ chức sau hàng tuần, hàng tháng. Điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là cần phổ biến thông tin về phố đi bộ từ xa, nên có nhiều bản đồ chỉ dẫn vị trí treo từ vòng ngoài, in vào tờ rơi phát từ sân bay, khách sạn, các khu dân cư, đưa lên các phương tiện truyền thông, kèm theo “Nội quy phố đi bộ”.
KTS Trần Huy Ánh nói: “Phố đi bộ quanh Hồ Gươm phải trở thành trường học thực hành cho các công dân về “văn minh đô thị”. Chúng ta đến đây với niềm tự hào là công dân văn minh thanh lịch Thủ đô. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ hay các tổ chức xã hội khác cử các tình nguyện viên chung tay với Ban tổ chức gìn giữ trật tự, hướng dẫn, bảo đảm vệ sinh khu vực”.
Kinh nghiệm của một số nước có tuyến phố đi bộ văn minh như Pháp, Nhật Bản, Bỉ… cho thấy việc tổ chức cũng phải được hoàn thiện dần từng bước. Qua đó, người dân dần tạo được thói quen đi bộ và sử dụng nhiều phương tiện giao thông công cộng. Và như thế, những nơi này thực sự là một điểm nhấn ấn tượng về du lịch, cũng như văn hóa.