Vốn xây dựng cơ bản: Vì sao chậm giải ngân?
Tiến độ “rùa” tại các dự án
Đơn cử, dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tỉnh lộ 665 được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại Quyết định số 1143/QĐ-UBND ngày 24/10/2012, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 5/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn còn nhiều hạng mục chưa được hoàn thành.
Được biết, dự án có tổng kinh phí được phê duyệt 86,67 tỷ đồng, kinh phí xây lắp 69,156 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đầu tư có mục tiêu là 50 tỷ đồng, số còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương. Song, hiện tỉnh Gia Lai vẫn chưa cân đối được nguồn vốn để bố trí.
Cần đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án vào khai thác phục vụ dân sinh |
Tỉnh lộ 665 là tuyến đường huyết mạnh nối Quốc lộ 14 đến các xã vùng biên Ia Mơr, Ia Piơr (huyện Chư Prông), do đó việc chậm trễ hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường này đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân địa phương. Bởi, không ít trường hợp xe chở hàng phải mất tiền triệu để thuê xe kéo mới có thể thoát sự lầy lội, cảnh hàng chục chiếc xe lấm lem bùn đất xếp hàng dài vì tắc đường cũng không phải là hiếm gặp.
Ngoài dự án trên, các công trình chậm tiến độ triển khai thi công trước năm 2012 chủ yếu thuộc các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu năm 2011 và trái phiếu Chính phủ năm 2011. Hiện có 12 dự án chậm tiến độ như đường ra xã biên giới Ia Chía-Ia O (huyện Ia Grai), đường liên xã Nghĩa Hưng, Chư Jôr (huyện Chư Pah), đường vành đai D2 Khu Lâm viên Biển Hồ, đường vào xã Đăk Pling (huyện Kông Chro), bãi kiểm tra xe xuất nhập khẩu phía Bắc và đường trục chính của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, đường tỉnh lộ 663, đường tỉnh 670B, đường Đ27…
Dẫn đến chậm giải ngân vốn
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Gia Lai liên tục có công văn yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các gói thầu chậm tiến độ. Tuy nhiên đến nay các chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để cải thiện công tác giải ngân vốn và tiến độ công trình. Trong số đó phải kể đến 48 công trình chuyển tiếp năm 2015 mới chỉ giải ngân gần 37,2% kế hoạch.
Thậm chí, nhiều dự án trên địa bàn chỉ giải ngân không quá 10 triệu đồng trong tổng chỉ tiêu giao giải ngân hàng chục tỷ đồng. Tiến độ giải ngân một số dự án lớn, trọng điểm cũng rất thấp. Như dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun, kế hoạch giao 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đến nay mới thực hiện giải ngân được 1,5% vốn.
Tương tự, dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) được giao giải ngân 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 0,13% vốn...
Theo số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm 2015, Gia Lai mới giải ngân 27,22% so với kế hoạch. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu mới giải ngân được khoảng 26,1% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia 27,02%; vốn trái phiếu Chính phủ 17,6% và vốn ODA 20,51%.
Trong khi, theo kế hoạch năm 2015, tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn Gia Lai là 1.611,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 1.453,5 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh là 550,31 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 563,8 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ là 202,70 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia là 136,70 tỷ đồng và vốn nước ngoài (vốn ODA) là 158 tỷ đồng.
Các nguồn vốn này được bố trí cho 124 dự án, công trình khởi công mới. Đến nay, đã có 106 công trình đang triển khai thi công; 3 công trình đang điều chỉnh dự án; 8 công trình đang lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công-dự toán; 7 công trình đang lập kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn được xác định là do một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không tạm ứng vốn; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; các khâu từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đấu thầu vẫn còn mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, năng lực tài chính hạn chế của nhiều nhà thầu cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc chậm giải ngân vốn khiến tiến độ dự án chậm trễ…
Trước thực tế như trên, chính quyền tỉnh Gia Lai cần tích cực hơn nữa trong việc đôn đốc chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nếu không, với tiến độ thực hiện như hiện nay thì khó có thể đạt được kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015.