Xếp hạng tín dụng để tăng cho vay tín chấp
“Xếp hạng tín dụng top 1000 DN Việt Nam năm 2015”: Nguồn thông tin không thể thiếu | |
Tập huấn xếp hạng tín dụng | |
Tín hiệu tích cực từ xếp hạng tín dụng |
Doanh nghiệp cần, NH đáp ứng
Đại diện một DN có trụ sở hoạt động trên địa bàn TP.HCM kể rằng, cuối năm 2015 đến nay, hoạt động DN bị ảnh hưởng khi sức mua và tồn kho chưa cải thiện, tài sản đảm bảo cạn… trong bối cảnh khó khăn, công ty đã tạm ngừng nhận đơn đặt hàng mới vì không đủ tài chính để làm vốn đối ứng cho đối tác.
Được biết, trong thời gian qua công ty này cần vốn nhưng không tìm đến NH để vay, dù biết NH đang có cả sản phẩm cho vay tín chấp DN. Khi được hỏi vì sao DN lại chọn cách co cụm thay vì tìm vốn hỗ trợ từ NH với lãi suất ưu đãi, vị đại diện trên nói rằng: công ty không còn tài sản thế chấp thì rất khó có thể kỳ vọng vay được vốn tín chấp. Với tình hình hiện tại, có lẽ xếp hạng tín nhiệm DN cũng không quá tốt, NH sẽ không để mắt tới.
Các NHTM nói DN có quan hệ tiền gửi, tiền vay, mở tài khoản ở NH đã là một điều kiện tốt để vay tín chấp |
Trường hợp như DN nói trên chỉ là một điển hình. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực của Hiệp hội DN TP.HCM, nhu cầu vốn DN dịp cuối năm luôn cao hơn các tháng trong năm. Vì thế, để cầu vốn có thể gặp cung, theo ông Hưng, cần có sự nỗ lực từ 2 phía. Riêng đối với DN, họ vẫn còn có cái nhìn không thông trong việc vay vốn tín chấp tại NH. Thậm chí, chỉ một vài DN vướng mắc nhưng thông tin lan truyền, thành ra có nhiều ý kiến cho rằng NHTM vẫn cố tình gây khó dễ trong việc giải ngân vốn tín chấp.
Tuy nhiên, trao đổi với một vài lãnh đạo NH, giới này cho biết việc triển khai vay vốn tín chấp đã có từ lâu, đặc biệt phát triển mạnh tại thời điểm NHNN có văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH gửi các NHTM yêu cầu đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, nhất là cho vay tín chấp. Từ đó đến nay, NHTM liên tục xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với DN.
Không chỉ vậy, NHTM liên tục đa dạng hóa sản phẩm làm sao phù hợp hơn với điều kiện của DN. Đơn cử, Viet Capital Bank vừa dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho DN vay không cần tài sản đảm bảo.
Theo đó, chỉ cần DN có tình hình hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng tốt và đáp ứng được các điều kiện về uy tín thanh toán của Viet Capital Bank. Hạn mức mà Viet Capital Bank cho vay tín chấp tối đa lên đến 1,5 tỷ đồng, kèm theo đó là ưu đãi về lãi suất cho vay và miễn phí sử dụng nhiều loại dịch vụ như dịch vụ chi lương qua thẻ Viet Capital Bank, phí đăng ký và sử dụng dịch vụ thanh toán thuế điện tử...
Trước đó, VPBank triển khai sản phẩm cho vay không tài sản đảm bảo và thẻ tín chấp dành cho khách hàng DN. Cụ thể, với sản phẩm cho vay không tài sản đảm bảo, khách hàng sẽ được vay vốn với hạn mức tín dụng tối đa lên tới 5 tỷ đồng trong 36 tháng chỉ sau 24 giờ làm việc. Với thẻ tín chấp DN, khách hàng sẽ được cấp tín dụng với hạn mức lên tới 2 tỷ đồng cùng những ưu đãi.
Đặc biệt, với thẻ tín chấp, DN có thể thoải mái chi tiêu trước, trả tiền sau và được hưởng tới 45 ngày miễn lãi sau khi chi tiêu. Bên cạnh đó, lãi suất này hoàn toàn có thể hạch toán vào chi phí DN thay vì chỉ tính cho cá nhân người sử dụng như các loại thẻ cá nhân khác...
Trên thực tế, mọi nhu cầu vay vốn tín dụng mang tính phổ biến đều được các NH "rộng cửa" chào đón cho khách vay. Mặt bằng lãi suất hiện cho vay tín chấp hiện cũng khá thấp. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng tùy vào khẩu vị rủi ro và số vốn người vay yêu cầu mà có NH cho vay tín chấp, có NH lại yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.
Không nên phản ứng theo số đông
Với những điều nêu trên, rõ ràng, DN khi có nhu cầu hỗ trợ vốn thì nên đến NH để tìm hiểu thay vì theo hiệu ứng đám đông là chỉ trích, để rồi đánh mất cơ hội. Vì theo quan sát, thời gian qua các NHTM trên địa bàn đang chủ động xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp. Đồng thời, giới này sàng lọc kỹ khách hàng cho vay tín chấp và chỉ cấp tín dụng đối với DN tốt, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi cao nhưng linh hoạt ở nhiều điều kiện.
Chẳng hạn, theo chia sẻ của một lãnh đạo OCB, một DN nếu có phương án kinh doanh chưa chuẩn, nhưng họ minh bạch trong các báo cáo kết quả cũng như sổ sách kế toán chứng minh được khả năng trả nợ sẽ được NH để ý đến. Ngược lại, để kiểm soát chặt dòng tiền, NH cũng yêu cầu DN vay vốn tín chấp nên mở tài khoản NH để dòng tiền kinh doanh thu về sẽ chạy qua hệ thống NH. Nếu tiền về càng nhiều, NH sẽ giảm lãi suất cho vay đối với DN theo công thức tính của từng NH. Vậy, NH đang có giải pháp quản lý khá tốt đối với các khoản vay tín chấp. Theo đó, không có chuyện NH làm khó DN ở khoản vay này.
Theo lãnh đạo của Viet Capital Bank, chương trình cho vay tín chấp mới của NH để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH. Các DN chỉ cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Nếu DN đang trong quá trình tái cấu trúc kinh doanh, thì có thể tập trung vào mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt có thế mạnh nhất để NH có thể nhìn thấy khả năng trả nợ.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, lãi suất hiện không còn là áp lực quá lớn đối với DN, nhưng cái khó đó chính là DN không biết phải làm thế nào để có thể tiếp cận được vốn tín chấp. Trong khi đó, nhu cầu vốn của những DN này để đầu tư, phát triển, kinh doanh là rất lớn. Theo ông, bên cạnh việc yêu cầu DN minh bạch, NH cần hướng dẫn để DN hiểu làm thế nào để có thể tiếp cận được vốn. Có như vậy thì nguồn vốn tín chấp mới thông, thị trường sẽ không còn xuất hiện những phản ánh trái chiều như hiện tại.