Xóa bỏ rào cản khám chữa bệnh vượt tuyến
Ảnh minh họa |
Một số ý kiến đại biểu nhất trí giữ như quy định của Luật BHYT hiện hành đó là mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT (không bắt buộc), song cũng có một số ý kiến đề nghị quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc và sửa lại khái niệm về BHYT theo hướng “BHYT là hình thức được áp dụng bắt buộc đối với các đối tượng theo quy định của Luật này”.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc tiếp tục quy định mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT cùng với cơ chế của Nhà nước hỗ trợ cho một số nhóm dân cư tham gia BHYT, tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động đến các đối tượng… là kế thừa quy định của Luật BHYT hiện hành, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.
“Nếu quy định là BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm dân cư tham gia BHYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc”, bà Mai nói.
Liên quan đến về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh (KCB) BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định về nguyên tắc thanh toán KCB BHYT với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật và giao Chính phủ quy định cụ thể mức quỹ BHYT sẽ chi trả. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể mức thanh toán, cũng có ý kiến đề nghị không thanh toán KCB BHYT nếu bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Bà Trương Thị Mai cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh phải tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật như do trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ y tế, chất lượng dịch vụ KCB của tuyến dưới còn hạn chế, trong khi người bệnh muốn được KCB với chất lượng tốt, nhanh khỏi bệnh. Đây là nguyện vọng chính đáng và quỹ BHYT phải có trách nhiệm xử lý vấn đề này một cách hợp lý và mức chi trả cụ thể giao cho Chính phủ quy định để linh hoạt và đảm bảo cân đối quỹ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc đối với vấn đề trên và giao Chính phủ quy định cụ thể mức quỹ BHYT chi trả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu ở tuyến xã được quyền KCB BHYT ở tuyến huyện và ngược lại với người đăng ký ở tuyến huyện sẽ được KCB tại tuyến xã, những trường hợp này không bị coi là KCB BHYT trái tuyến.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện đa khoa huyện trên cùng địa bàn huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực nơi không có bệnh viện đa khoa huyện và ngược lại nếu đăng ký ở tuyến huyện thì cũng có thể KCB tại tuyến xã.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần thấu hiểu nguyên tắc BHYT là chính sách nhân đạo. Đã là nguyên tắc thì ai cũng phải đóng. Quỹ BHYT là của toàn dân, không có quỹ BHYT tập trung. Phải hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân mang thẻ BHYT toàn dân KCB tại bất cứ đâu trên toàn quốc. Tinh thần là tránh trường hợp người có thẻ BHYT đến chỗ này được, đến chỗ khác không được. Quy định như vậy chỉ làm khổ dân.
“Nhà tôi gần Bệnh viện, cứ sao tôi cầm thẻ BHYT vào đó KCB lại bắt tôi chạy mấy chục cây số đến cơ sở khác mới khám được bệnh. Tự mình đặt ra câu chuyện như vậy là làm khó dân, đây là vấn đề đạo đức xã hội. Ngành y tế cứ nói y đức, cứ quy định thế này thì bao giờ mới nói hết chuyện y đức. Rồi nói tại cơ chế thị trường”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc sửa đổi lần này khẳng định sự cần thiết của BHYT toàn dân. Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thực hiện đúng nguyên tắc thực hiện thống nhất bảo hiểm y tế toàn dân. “Đây là của để dành, không phải có bao nhiêu phải chi hết bấy nhiêu. Quản lý thống nhất, không có chuyện chi cho truyền thông, mua sắm trang thiết bị. Đề nghị ngành Y tế phải thực hiện đúng quy định tài chính hiện hành”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Dương Công Chiến