Xu hướng tỷ giá giúp xuất khẩu tự tin
USD giảm trở lại khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang | |
Các ngân hàng tiếp tục tăng giá mua – bán USD | |
Tỷ giá hạch toán USD tháng 4/2018 là 22.454 đồng/USD |
Xuất khẩu nông - thủy sản hưởng lợi
Trái với các dự báo và nhận định của giới quan sát, đa số DN xuất khẩu ở các ngành hàng chủ lực lại tỏ ra ít quan ngại đối với biến động của tỷ giá. Thậm chí, ở nhiều ngành hàng, các DN còn cảm thấy tự tin về lợi nhuận vì cho rằng tỷ giá gần như không có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) mặc dù từ đầu năm đến nay Hoa Kỳ áp dụng chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu đối với 13 loại thủy sản và áp mức thuế chống bán phá giá khá cao đối với một số DN xuất khẩu cá tra vào thị trường này, tuy nhiên, riêng với VHC mức thuế Hoa Kỳ áp dụng hiện nay là mức thấp nhất (0 USD/1kg). Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu cá tra của DN vào Mỹ không bị ảnh hưởng thậm chí còn có thể sẽ tăng mạnh. Với trợ lực từ việc đảm bảo tự chủ 80% nguyên liệu chế biến, bà Tâm cho rằng doanh thu của VHC sẽ đạt khoảng 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 650 tỷ đồng, tăng 10% trong năm 2018.
Đồng USD được giá là lợi thế cho các nhà xuất khẩu tôm cá |
Diễn biến thực tế cho thấy, hiện nay mức giá cổ phiếu của VHC từ 52.900 đồng/cp lên 75.700 đồng/cp, giá bán và sản lượng cá tra vào Mỹ đều được dự báo tăng trưởng lần lượt ở mức 20% (4 USD/kg) và 5% (45.100 tấn/năm). Nếu tính toán trên góc độ chênh lệch tỷ giá VND/USD trong kịch bản năm 2018 có tăng nhẹ như nhiều phân tích của các chuyên gia tài chính thì nhiều khả năng VHC sẽ được hưởng lợi khá lớn từ sự tăng giá của đồng bạc xanh so với tiền đồng. Bởi hiện nay kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ của Vĩnh Hoàn chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu loại sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ.
Ở các ngành hàng nông sản khác, diễn biến xuất khẩu trong tương quan với tỷ giá cũng khá thuận lợi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, các DN xuất khẩu mặt hàng tôm vào Nhật Bản đang được hưởng lợi từ tỷ giá. Bởi hiện nay Nhật là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17% tổng kim ngạch XK tôm). Hầu hết các DN nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD, do vậy giá nhập khẩu tôm từ Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước khác, và các DN Việt sẽ cạnh tranh tốt hơn.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mặc dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau – củ - quả vào thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng đang diễn biến rất thuận lợi. Thống kê đến hết tháng 1/2018 giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào thị trường này cũng đạt gần 100 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2017.
“Với việc Hoa Kỳ chấp thuận thêm hàng chục DN xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi trong thời gian vừa qua, khả năng nhiều mặt hàng trái cây xuất vào Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 15-30% trong năm nay. Và với giá bán trung bình cao gấp rưỡi thị trường trong nước, cộng với sự ổn định của tỷ giá như hiện nay thì các DN hoàn toàn có thể lạc quan” – ông Trần Văn Sang, Chủ tịch Công ty TNHH nông sản Cát Tường (Tiền Giang) chia sẻ.
Lo thuế nhập khẩu nhiều hơn lo tỷ giá
Không được thuận lợi như các mặt hàng nông - thủy sản, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ hiện nay đang phải đối mặt nhiều hơn với các khó khăn đến từ mức áp thuế nhập khẩu hơn là các lo lắng về biến động tỷ giá.
DN xuất khẩu nông sản hưởng lợi từ giá USD tăng |
Ở ngành hàng thép, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế nhập khẩu lên đến 53% đối với sản phẩm thép từ 13 quốc gia (trong đó có Việt Nam) sẽ khiến cho các DN xuất khẩu thép, tôn mạ vào thị trường này gặp khó khăn lớn. Mặc dù, lượng thép xuất sang Hoa Kỳ của các DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ và đạt khoảng 500 triệu USD/năm, nhưng tác động từ việc có nguy cơ vuột mất thị trường này sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của các DN lớn.
Trong khi đó, ở ngành gỗ - mỹ nghệ, đại diện Hội Gỗ mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM cho rằng, hiện nay Hoa Kỳ rất có thể sẽ áp dụng những biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng gỗ từ Việt Nam, do lo ngại nguồn hàng xuất khẩu của DN Việt có xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện, thặng dư thương mại của riêng ngành gỗ của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ đạt trên 2 tỷ USD/năm. Vì thế nếu bị áp các mức thuế cao, các DN Việt sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Phân tích trong tương quan với biến động tỷ giá, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, khi Hoa Kỳ gia tăng các hàng rào thuế quan bằng cách tăng các mức thuế nhập khẩu sẽ hỗ trợ cho sự tăng giá của đồng USD. Bởi việc khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ ra nước ngoài sẽ khiến cho nhu cầu đối với đồng USD tăng lên. Điều này cộng với việc cơ quan Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã phủ nhận thông tin ngừng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ vào giữa tháng 1/2018 sẽ tiếp tục tạo đà cho sự tăng giá của đồng USD.
Tuy nhiên, ở trong nước, theo phân tích của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) với sự hỗ trợ từ nguồn lực dự trữ ngoại hối và cơ chế tỷ giá trung tâm cũng như mức thặng dư của cán cân thương mại khá lớn, cộng với triển vọng nguồn vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán đang khởi sắc, thì năm 2018 tỷ giá VND/USD sẽ chỉ tăng nhẹ. Điều này cho thấy rằng áp lực của tỷ giá đối với ổn định kinh tế vĩ mô là không lớn, ngược lại vẫn đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động xuất khẩu.