Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách
Hỗ trợ cho việc khơi thông dòng vốn | |
Cần nhanh chóng tháo gỡ "nút thắt" trong việc xử lý nợ xấu | |
Gỡ “điểm nghẽn” trong xử lý nợ xấu |
Ông Nguyễn Ngọc Hải |
Thưa ông, Quốc hội khóa XIII cũng đã bàn và đồng ý với chủ trương thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) nhưng sau 4 năm cho thấy hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Theo ông, đây có phải là lý do để phải có một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu?
Vấn đề nợ xấu là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Bởi xử lý thu hồi nợ xấu là giải pháp để giải quyết vấn đề nút thắt cho nền kinh tế, khơi thông dòng tín dụng.
Tôi cho rằng, với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trong 5 năm vừa qua (2012-2016) hệ thống các TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó số nợ xấu bán cho VAMC chỉ chiếm tỷ trọng 40,7% tổng số nợ xấu của các TCTD đã xử lý. Với giải pháp bán nợ qua VAMC và các TCTD tự xử lý, con số nợ xấu được đưa từ 17,21% (tháng 9 năm 2012) xuống còn 2,46% nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng cũng là sự ghi nhận.
Có thể nói VAMC bước đầu là công cụ giúp NHNN, các TCTD xác định nợ xấu một cách minh bạch. Tuy nhiên trong thời gian dài với việc trông chờ vào riêng VAMC xử lý nợ xấu đã gặp không ít khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của mình mà liên quan chủ yếu về khung pháp lý, về thực lực vốn của VAMC…
Chính vì vậy, kết quả XLNX dường như chưa đạt kỳ vọng đã đề ra khi nợ xấu thu hồi được mới chỉ đạt 14,5% nợ đã mua tính đến cuối năm 2016. Theo tôi cái khó nhất của VAMC là khung pháp lý quy định các quyền hạn của VAMC, về năng lực và cơ chế thực thi, về nguồn lực, khuôn khổ pháp lý cho phép xử lý nợ theo nguyên tắc thị trường, một thị trường mua bán nợ phát triển đầy đủ chưa được thiết lập…
Ông có cho rằng, việc Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu là rất cần thiết?
Tôi cho rằng việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nền kinh tế có phát triển bền vững trước hết theo nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá là phải đánh tan “cục máu đông” làm lưu thông nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế…
Như tôi đã nói ở trên, thực tế việc xử lý nợ xấu còn nhiều hạn chế mà chủ yếu do cơ chế, chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD; quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả chưa cao, thời gian kéo dài, pháp luật về phí, thuế liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo… còn nhiều quy định chưa hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ của các TCTD.
Do vậy cần có một Nghị quyết riêng của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD để quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, nâng cao vai trò năng lực của VAMC, xử lý các vướng mắc khó khăn pháp lý hiện hành trong quá trình xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu.
Qua đó, tạo ra cơ chế đồng bộ nhằm xử lý nhanh, dứt điểm hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo điều kiện tốt nhất để các TCTD phát huy vai trò trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế là rất phù hợp.
Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Vậy ông có chia sẻ gì thêm?
Theo tôi, việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Các TCTD là với mong muốn cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Sửa Luật cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.
Đặc biệt, để thực hiện tiếp tục việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 việc sửa đổi Luật Các TCTD là yêu cầu cần thiết, phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới. Đối với các nội dung dự thảo sửa đổi Luật, theo tôi không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đến các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của các TCTD. Việc xử lý các hành vi vi phạm này vẫn phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!