Xử lý nợ xấu: Những tín hiệu lạc quan
Luôn đề cao cảnh giác
Theo số liệu công bố của NHNN, đến cuối năm 2015, nợ xấu toàn Ngành đã được đưa về mức 2,9% đúng như lộ trình đề ra trong Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu các TCTD. Như đánh giá của các chuyên gia, việc đưa nợ xấu từ hai con số xuống một con số thời gian qua là một nỗ lực lớn của các ngân hàng. Nhờ tích cực trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, nhất là sự vào cuộc của VAMC, tỷ lệ nợ xấu toàn Ngành đã được xử lý ổn thoả.
Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu VAMC đã mua là 245 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207 nghìn tỷ, và đã xử lý, thu hồi được 22.780 tỷ đồng, bằng khoảng 9% nợ xấu gốc. Qua đó, giúp bảng cân đối tài sản của các ngân hàng sạch đẹp hơn, cải thiện sức khỏe tài chính, khơi thông dòng chảy tín dụng…
Bán nợ cho VAMC là một lựa chọn mà các ngân hàng không bỏ qua trong kế hoạch xử lý nợ xấu của mình |
Tuy tỷ lệ nợ xấu đã được xử lý khá rốt ráo, nhưng nguy cơ nợ xấu mới phát sinh vẫn còn hiện hữu, nhất là trong năm 2016. Dự báo năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, lạm phát nguy cơ cao hơn. Tình hình kinh tế khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
“DN có làm ăn tốt thì mới có tiền trả nợ, giúp ngân hàng tránh được nợ xấu. Còn nếu sức khỏe tài chính của DN yếu đi vì lãi suất cao, môi trường kinh doanh không ổn định… chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh DN, và ngân hàng là người chịu thiệt hại cuối cùng vì không thu hồi được nợ và nợ xấu mới sẽ phát sinh từ đây”, TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra lo ngại.
Ngày 13/4/2016, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và tập trụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm… NHNN cũng yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn…
Tự tin xử lý nợ xấu
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm 2016, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, năm 2016 ngân hàng này sẽ cố gắng xử lý khoảng 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Kênh thu hồi nợ được ngân hàng thực hiện chủ yếu trong năm 2016 sẽ là thương thảo với khách hàng để bán, thanh lý tài sản. Đây cũng là giải pháp mà OCB thực hiện quyết liệt trong kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016.
Lý do chọn giải pháp trên được Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế những năm qua, ngoại trừ những trường hợp cố tình chây ì, hoặc có ý đồ lừa đảo…, thì để xử lý nợ xấu, tốt nhất là ngân hàng hợp tác với khách hàng.
Việc đưa nợ xấu từ hai con số xuống một con số thời gian qua là một nỗ lực lớn của các ngân hàng |
“Năm ngoái, OCB áp dụng cơ cấu nợ cho một số khách hàng thay vì ép khách hàng trả nợ ngay. Đến nay những khách hàng này đã trả nợ rất tốt, thậm chí có khách hàng được ngân hàng cơ cấu 4-5 năm nhưng 1 năm đã tất toán luôn”, ông Tùng lấy ví dụ.
Tuy không phải là giải pháp chủ yếu, nhưng bán nợ cho VAMC là một lựa chọn mà các ngân hàng không bỏ qua trong kế hoạch xử lý nợ xấu của mình. Bởi nếu không có sự hỗ trợ tích cực trong việc mua nợ cũng như xử lý, thu hồi nợ thì không ít ngân hàng đã phải lao đao.
“Nếu cách đây 2 năm không có sự tham gia của VAMC, thì khổ cả ngân hàng và khách hàng. Để thu nợ, ngân hàng buộc lòng ép khách hàng bán tài sản. Nhưng lúc bấy giờ thị trường BĐS đóng băng, muốn tìm người mua cũng khó, hoặc có thì chắc chắn bị ép giá. Lúc này dù rất thiện chí nhưng sự hợp tác giữa ngân hàng với khách hàng vẫn khó khăn. Kể cả nếu ngân hàng qua tố tụng khởi kiện, bán tài sản thì giá bán sẽ rất thấp, không đủ thu nợ”, một CEO ngân hàng nhìn nhận vai trò của VAMC.
Về phần mình, ông Tùng cho biết, nhờ sự vào cuộc tích cực của VAMC, OCB đã thu hồi xử lý gần 700 tỷ đồng nợ xấu trên tổng số hơn 2.000 tỷ đồng bán nợ cho công ty này. Có những khoản nợ ngân hàng này chỉ mong thu gốc, nhưng thậm chí đã thu được cả lãi. Hay như SCB cũng đã thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng…
Hiện tại, lãnh đạo các ngân hàng đều tỏ ra tự tin bởi nợ xấu mà bán cho VAMC đều có tài sản đảm bảo tốt. “Trong số 1.100 tỷ đồng nợ xấu còn tồn tại VAMC, chúng tôi tự tin sẽ sớm xử lý được vì tình hình thị trường đang khả quan, nhiều khách hàng chủ động gặp ngân hàng để thỏa thuận bán, thanh lý tài sản trả nợ”, ông Tùng cho biết thêm. OCB đặt kế hoạch duy trì nợ xấu dưới mức 2%, thậm chí dưới 1%.
Với kinh nghiệm xử lý nợ thời gian qua, cùng sự ấm lên thị trường BĐS, và nhất là kể từ 12/4, VAMC chính thức được mua nợ theo giá thị trường, kỳ vọng tốc độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn. Song, qua thăm dò ý kiến một số chuyên gia, thì để giúp VAMC có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, vẫn phải bổ sung thêm thế và lực cho công ty này. Vấn đề đầu tiên và cũng gần như quan trọng nhất cần phải điều chỉnh cho VAMC đó là quy định pháp luật.
Đơn cử, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, trước hết phải điều chỉnh khung pháp lý theo hướng người chủ nợ và VAMC có nhiều quyền lực hơn trong việc thanh lý tài sản bảo đảm. Có như vậy, giải quyết nợ xấu mới nhanh hơn.
Tuy VAMC được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn cho rằng chừng đó chưa đủ và ông đề xuất tiếp tục tăng vốn cho công ty này để nâng vị thế tài chính, thu hút đối tác ngoại tham gia. Một vấn đề nữa cần cải thiện, đó là VAMC cần tăng cường nhân lực cũng như trình độ quản lý để có thể giải quyết được số lượng nợ xấu lớn còn đang tồn đọng.
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, nếu ngân hàng tiết giảm được chi phí sẽ giúp họ có điều kiện giảm lãi suất duy trì mặt bằng lãi suất tốt hơn cho khách hàng. Từ đó tín dụng cũng có cơ hội tăng trưởng cao.