Xuất khẩu lao động trái phép: Đánh cược mạng sống
Những cái chết đau lòng
Hà Tĩnh hiện có đến hàng nghìn lao động đang lao động trái phép tại Angola. Đây cũng là địa phương thường xuyên phải nhận tin buồn từ đất nước châu Phi xa xôi. Mới đây, lễ an táng anh Nguyễn Văn Khoa, trú huyện Kỳ Anh, tử vong ở Angola đã được gia đình cùng chính quyền địa phương tổ chức.
Trước đó, với hy vọng đổi đời nhờ xuất ngoại, gia đình phải chạy vay hơn 100 triệu đồng, rồi đưa cho “cò” để anh Khoa sang Angola làm việc. Do nạn nhân được đưa sang Angola bằng đường du lịch, nên anh Khoa được bố trí làm việc trái phép tại một công trường xây dựng, được một thời gian ngắn thì gặp tai nạn.
Do không có bảo hiểm, nên khi nạn nhân tử vong, cộng đồng người Việt ở Angola đã quyên góp được 260 triệu đồng, rồi đưa thi thể anh Khoa về Việt Nam bằng đường hàng không.
Đối tượng tổ chức xuất khẩu lao động trái phép bị bắt giữ |
Tương tự, thi thể anh Nguyễn Văn Chín, trú huyện Nghi Xuân cũng vừa được đưa về quê an táng. Đây là nạn nhân được xác định tử vong tại Angola do sốt rét ác tính. Cũng như nhiều nạn nhân khác, cuộc sống quá khó khăn nên anh Chín phải chấp nhận cuộc sống xa quê, sang Angola lao động trái phép.
Trước đó, gia đình nạn nhân được các đối tượng tổ chức xuất khẩu lao động trái phép hứa hẹn sang bên đó, anh Chín sẽ có thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng. Trước khi đi, gia đình cũng phải vay mượn 120 triệu đồng để lo các khoản chi phí, theo yêu cầu của các “cò”. Tuy nhiên, mới sang xứ người làm phụ hồ được 6 tháng, khí hậu khắc nghiệt, căn bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi tính mạng của nạn nhân.
Thương tâm không kém là cái cái chết của anh Phạm Như Quý, trú huyện Thạch Hà. Cuối năm 2014, với quyết tâm đổi đời, nạn nhân cũng vay mượn để sang Angola. Mới chỉ đi làm phụ hồ vỏn vẹn được 1 tháng, anh Quý đã bị chó hoang cắn phải nằm viện mất 2 tháng, sau đó lại bị sốt rét ác tính.
Mới đây, anh Quý đã tử vong tại Angola. Để đưa được thi thể anh Quý về Hà Tĩnh phải mất đến 350 triệu đồng. Trong đó, gia đình chỉ gom góp được một ít, phần lớn còn lại phải nhờ vào lòng hảo tâm của hàng xóm, bạn bè và cả anh em đồng hương trên đất Angola.
Trụ cột gia đình mất đi, vợ con anh Quý lại phải gánh thêm nợ nần, khi ngoài khoản nợ vay mượn để anh xuất ngoại còn phải trả thêm số tiền đã vay để đưa thi thể nạn nhân về nước…
Cần phải ngăn chặn
Nhiều người may mắn không phải bỏ mạng xứ người, nhưng sau bao năm lao động chui ở Angola khi trở về cũng lâm vào cảnh trắng tay. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Kỳ, trú huyện Nghi Xuân, từng có thời gian lao động chui ở Angola, khi trở về của cải cũng không tích góp được là bao.
Ông Kỳ cho biết, ngoài việc lo kiếm tiền, lao động trái phép ở đây còn luôn phải trốn chạy cảnh sát. Do nạn thất nghiệp ở Angola đang gia tăng nên tình trạng trấn, cướp xảy ra liên miên.
Cũng theo ông Kỳ, khác với những hứa hẹn tô hồng của các đối tượng tổ chức lao động trái phép, khi sang Angola các nạn nhân chủ yếu làm thợ hồ, với mức thu nhập khoảng 500 - 600 USD/tháng. Trong khi, do làm việc trái phép nên việc giao dịch, liên hệ hoặc gửi tiền về nhà rất khó khăn. Để gửi được 1.000 USD về quê, người lao động phải trả chi phí từ 400 - 450 USD cho các “cò”.
Chi phí quá đắt đỏ nhưng người lao động cũng phải chấp nhận, bởi không còn cách nào khác. Người ở nhà luôn trông chờ từng đồng để về trả nợ số tiền đã vay cho chuyến xuất ngoại trái phép…
Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh cho rằng, sở dĩ vẫn có nhiều lao động tìm đường sang Angola, bất chấp những cái chết thương tâm là do đất nước này đang trong thời gian tái thiết, cần rất nhiều lao động trong lĩnh vực xây dựng. Các công trình xây dựng ở Angola thường không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nên hầu hết lao động Hà Tĩnh sang đó đều đáp ứng được.
Ngoài ra, do kinh phí đi Angola cũng nhẹ nhàng hơn các thị trường xuất khẩu khác, nên nhiều lao động có thể xoay xở. Thông thường, chỉ với khoảng hơn 100 triệu đồng là có thể sang lao động trái phép ở đất nước châu Phi xa xôi này. Và, hầu hết các nạn nhân đều đi theo dạng du lịch rồi tìm cách trốn ở lại làm việc trái phép.
Do vậy, họ phải tự lo ăn ở và chi trả các chi phí khi bị ốm đau, bệnh tật, các quyền lợi chính đáng hầu như không có, không được bất cứ cơ quan, tổ chức nào đứng ra bảo hộ...
Vấn nạn tổ chức đưa người sang Angola trái phép đã trở nên đáng báo động ở Hà Tĩnh cũng như một vài địa phương khác trong khu vực. Để hạn chế tình trạng này, giảm bớt những cái chết đau thương, về phía người lao động cần nêu cao tinh thần cảnh giác, lựa chọn những DN có đủ tư cách pháp nhân để liên hệ.
Chính quyền địa phương cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, mà cần quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vẫn cố tình móc nối, tổ chức xuất khẩu lao động trái phép.