Xuất khẩu “tỷ đô” thủy sản vẫn thiếu
Thêm 6 tháng để thủy sản Việt xóa “thẻ vàng” của EC | |
Cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản vào Úc |
Ảnh minh họa |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2018 các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt khó khăn, thách thức từ thị trường xuất khẩu. Các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu (EU) đang tăng cường và thắt chặt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, yếu tố tiếp tục tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam như, bảo hộ thương mại của thị trường lớn, Chương trình thanh tra cá da trơn và thuế chống bán phá giá (tôm và cá tra) của Hoa Kỳ. Rào cản kỹ thuật (Thẻ vàng IUU ở thị trường EU) và vấn đề nội tại là nguồn cung và giá nguyên liệu thủy sản trong nước cho chế biến xuất khẩu không ổn định, vấn đề kháng sinh, tạp chất trong nguyên liệu (dù đã giảm) nhưng vẫn tồn tại. Đây chính là thách thức lớn, không mới nhưng đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt gặp rất nhiều khó khăn do bị động nguồn nguyên liệu.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP cho biết, nguồn nguyên liệu là vấn đề được quan tâm trong chế biến, xuất khẩu thủy sản. Doanh nghiệp thủy sản Việt vẫn luôn khó khăn trong việc chủ động nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Đặc biệt, trong quý II/2018 này một số doanh nghiệp thuộc VASEP thiếu đến 60% - 80% nguyên liệu (cao hơn gấp đôi so với con số thiếu 30% - 40% trong quý I). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguyên liệu này, ngoài biến động của thị trường thủy sản và kết quả dự báo nguồn cung nguyên liệu thiếu chính xác, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu.
Nguồn hải sản đánh bắt gần bờ đã cạn kiệt đến mức báo động. Đối với nuôi trồng thủy sản thì gặp biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh, ảnh hưởng đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Sau khi khai thác thu hoạch các thương nhân tư nhân chiếm lĩnh thị trường, mua gom nguyên liệu, bán trực tiếp cho thương nhân nước ngoài, dẫn đến nghịch lý là nguyên liệu thủy sản địa phương được xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp chế biến không có đủ nguyên liệu.
Một số mặt hàng cụ thể như, cá tra đang phát triển nóng về giá (giá cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đứng mức cao nhất từ 29.000 đồng/kg lên mức đỉnh 33.000 đồng/kg). Việc tăng giá này khiến doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại các nước nhập khẩu thay thế cá tra bằng cá khác. Đối với tôm nguyên liệu, vấn nạn bơm tạp chất vào tôm khiến tôm không đủ tiêu chuẩn để chế biến, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tôm xuất khẩu của Việt Nam...
Ông Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cho hay, để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu, công ty phải nhập đến 70% tôm sú từ Ấn Độ, Đài Loan... Tuy nhiên, khách hàng của công ty lại thích thủy sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hơn, nếu không đáp ứng được yêu cầu, khách hàng sẽ ngưng đặt hàng thời gian tới.
Theo Bộ Công thương, khối lượng thủy sản xuất khẩu 5 tháng/2018 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%, còn giá trị thủy sản nhập khẩu ước đạt 698 triệu USD, tăng đến 33% so với cùng kỳ năm 2017. Tính trung bình, Việt Nam nhập khẩu thủy sản để tiêu dùng và làm nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu lên đến 140 triệu USD/tháng. Các nước cung cấp thủy sản cho Việt Nam nhiều nhất là Ấn Độ, Đài Loan, Na Uy, Nhật Bản.
Trong đó, nguồn cung nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu là tôm sú Ấn Độ và Đài Loan. Do nguồn tôm sú nuôi trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, nên phải tìm nguồn thay thế. Thủy sản tiêu thụ tại thị trường nội là cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, cá thu đao, cá hồi, cá tuyết từ Nhật Bản, tôm, cua, rong biển nhập từ Indonesia. Trong đó, nhập khẩu từ Na Uy tăng 72% so với cùng kỳ 2017, chiếm 10,4% trong tổng kim ngạch, nhập từ Đài Loan cũng tăng 41%, chiếm 7%....
Ngoài ra, Việt Nam còn tăng nhập khẩu thủy sản từ các nước khác như Malaysia tăng 83%, Ba Lan tăng 74%, Canada tăng 78% và Hàn Quốc tăng 72%...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, tại Hội nghị Hội viên VASEP đầu tháng 6/2018, doanh nghiệp ngành thủy sản đã đưa ra giải pháp cho vấn đề nguyên liệu. Đó là, doanh nghiệp thủy sản tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến.
Xây dựng vùng nguyên liệu an toàn bằng cách tăng cường liên kết giữa sản xuất và nuôi trồng để cùng phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch đấu giá thủy sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ việc truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu.