Cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản vào Úc
Rộng mở hàng hóa sang thị trường Úc |
Ảnh minh họa |
Với những cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) được ký kết năm 2009, từ năm 2018 Úc sẽ cắt giảm 90% và tiến tới 100% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN giảm xuống 0% từ năm 2020. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc nhất là mặt hàng nông, thủy sản.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Úc là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao các mặt hàng đồ gỗ, hạt điều, thủy sản tươi hoặc chế biến… Với mức thu nhập bình quân đầu người cao (khoảng 50.000 USD/năm), đây là thị trường có sức mua lớn và đầy tiềm năng đối với DN Việt Nam.
Trong thời gian tới, việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản cũng như mở rộng đầu tư kinh doanh của DN Việt Nam sang thị trường Úc sẽ có nhiều thuận lợi hơn bởi ngày 8/3/2018, 11 nước trong đó có Úc đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trên thực tế, Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm khoảng 11,2% thị phần nhập khẩu, con số này chưa bằng một nửa thị phần của Thái Lan. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam của Úc những năm qua tăng rất ấn tượng, từ 15 triệu USD năm 2011 lên 225 triệu USD trong năm 2014 (tăng 15 lần) và năm 2017 đạt gần 187 triệu USD.
Trong đó, Việt Nam là nước có nguồn cung cấp tôm lớn nhất thị trường này, chiếm 31,1% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Úc, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 28%, Thái Lan 23%, Malaysia 11%. Năm 2017, tôm Việt Nam xuất sang Úc đạt kim ngạch gần 120 triệu USD, tăng 4,6% so với năm 2016 và số lượng các nước cung cấp tôm chế biến cho thị trường này đang giảm, tạo cơ hội cho Việt Nam. Cũng như vậy, mặt hàng cá tra Việt Nam gần như độc chiếm thị trường Úc, từ 96% đến 98% với phi lê cá tra tươi hoặc ướp lạnh.
Đối với mặt hàng nông sản, hàng năm, Úc nhập khoảng 1,7 - 2 tỷ USD rau củ quả, trong đó nhập từ Việt Nam là 20 triệu USD. Úc đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam trong năm 2015 và đây là loại trái cây tươi đầu tiên của nước ta được nhập vào Úc. Tiếp tục, tháng 8/2016, Úc cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép cho trái thanh long sau 7 năm đàm phán. Hiện nay, phía Úc đang hoàn tất các thủ tục để nhập các trái cây khác như nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây của Việt Nam.
Đại diện DN đang kinh doanh tại Úc cho rằng, muốn trụ vững tại thị trường Úc, các DN Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, chất lượng sản phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường. Điều này góp phần xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức “Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền”.
Trong buổi gặp gỡ với VCCI, ông Gary Dawes, cố vấn cấp cao về xúc tiến thương mại, đại diện cho Hiệp hội DN Úc cũng khẳng định mối quan hệ hợp tác giao thương Việt Nam - Úc trong tương lai rất thuận lợi bởi Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia vào tháng 3/2018.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào Úc, gần đây Chính phủ Úc cam kết xem xét cho các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài có ý tưởng sáng tạo, có kế hoạch kinh doanh tốt có thể nộp đơn xin visa tạm thời để tiến hành liên doanh tại Úc.
Hiện tại, Việt Nam và Úc đã nhất trí hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều sẽ đạt 10 tỷ USD trong thời gian tới. Và để đạt được mục tiêu này, hai nước cũng đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cơ hội tốt nhất để việc đầu tư, giao dịch, xuất nhập khẩu được thuận lợi. Bên cạnh đó, các DN và chuyên gia đến từ Úc cũng gợi ý DN Việt tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh như nông sản, thủy sản...
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hiện Úc là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 12 của Việt Nam. Trong thời gian tới, việc tham gia CPTPP cũng là cơ hội lớn cho quan hệ giao thương giữa hai nước Việt - Úc trong thời gian tới.