Quảng bá, xúc tiến du lịch: Hướng tới thị trường tiềm năng
Đà Nẵng: Ba dự án “treo” trên đất vàng - bao giờ tháo gỡ? Đà Nẵng Công bố chiến dịch Food Tour và ngày hội quảng bá sản phẩm |
Đổi mới về hình thức, nội dung
Có thể kể các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nổi bật như tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2024 tại Lào và tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam tại Hội chợ Travex 2024; tham gia Hội chợ ASEAN - Trung Quốc tại Trung Quốc; Hội chợ WTM tại Anh; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nga; Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại Seoul (Hàn Quốc); Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ…Các hoạt động quảng bá, xúc tiến từng bước được đổi mới về hình thức, nội dung, nâng cấp về quy mô và tầm vóc; gắn kết với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực truyền thống; gắn với các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Chính phủ tại các nước để nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá.
Ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng hợp tác xúc tiến du lịch tại Úc |
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy đạt các mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2024. Đến hết tháng 11/2024, Việt Nam đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 105 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu du lịch đạt 758 nghìn tỷ đồng.
Về cơ cấu thị trường, Châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đóng góp gần 60%. Các thị trường khách quốc tế lớn gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) , Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Malaisia, Campuchia, Úc, Thái Lan. Đặc biệt, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 4,13 triệu lượt, tăng 128,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Trung Quốc với 3,3 triệu lượt khách, tăng 222%. Ở thị trường châu Âu, Anh là thị trường gửi khách nhiều nhất, với hơn 279.000 lượt, tiếp đến là Pháp, Đức, Nga.
Năm 2024, du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng có nhiều đột phá cả về phương thức, nội dung. Nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức không phụ thuộc vào ngân sách cấp qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch mà huy động sự phối hợp, tham gia của đơn vị liên quan, sự linh hoạt của cơ quan chủ trì vận dụng hợp pháp nguồn lực bên ngoài cho xúc tiến du lịch Việt Nam. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự góp sức của các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động du lịch, tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, nhất là chính sách thị thực, xuất nhập cảnh thuận lợi và các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đã tạo thuận lợi cho công tác quảng bá, xúc tiến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quảng bá xúc tiến năm 2024 cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số vấn đề liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và việc phân bổ, giải ngân kinh phí quảng bá xúc tiến do ngân sách nhà nước cấp qua Quỹ chưa phát huy hiệu quả. Hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa thực sự tạo được sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ, lâu dài trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch của từng tỉnh thành vẫn rời rạc, quy mô nhỏ, hiệu quả xúc tiến chưa được như kỳ vọng. Việc chưa thiết lập được các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hạn chế nhất định tới công tác xúc tiến du lịch do giảm năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực do các nước đã mở nhiều văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, thúc đẩy thường xuyên các hoạt động marketing du lịch trực tiếp đến các phân đoạn thị trường gửi khách.
Hướng tới thị trường tiềm năng có chất lượng...
Mới đây, tại Hội An (Quảng Nam), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2025. Trên cơ sở điểm lại kết quả công tác xúc tiến du lịch năm 2024, hội nghị đã trao đổi, thảo luận về định hướng, kế hoạch xúc tiến, quảng bá năm 2025. Trong đó, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô lớn, mang lại sức lan tỏa và hiệu quả cao.
Các hoạt động xúc tiến du lịch sẽ tập trung quảng bá sự kiện Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025 với hàng loạt sự kiện nổi bật diễn ra trong cả năm; đẩy mạnh các hoạt động trực tiếp như tham gia hội chợ, tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam, mời KOLs, đón các đoàn famtrip..., triển khai các chiến dịch tiếp thị trực tuyến. Ngành du lịch cũng sẽ tập trung nguồn lực hướng tới thị trường chiếm tỷ trọng lượng khách lớn, các thị trường tiềm năng có chất lượng... Theo đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh. Duy trì, mở rộng các thị trường truyền thống, có tỷ trọng cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; đầu tư mạnh hơn, đảm bảo hiệu quả vào các thị trường chi tiêu cao châu Âu, Úc, Mỹ và các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ. Năm du lịch quốc gia Huế 2025, cũng sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển du lịch và tổ chức chương trình Năm du lịch quốc gia Huế tại châu Âu.
Du lịch bằng tàu biển ngày càng hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam |
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong: Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch trong thời gian tới, với hiệu quả cao hơn, doanh thu lớn hơn và tác động về môi trường ít hơn. Sự kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến rất quan trọng. Công tác xúc tiến du lịch thời gian qua đã khắc phục đáng kể tình trạng mạnh ai nấy làm. Các bên liên quan từ Bộ VH-TT&DL, các địa phương và doanh nghiệp nếu liên kết cùng nhau thì việc xúc tiến sẽ thu được hiệu quả cao hơn. Nhiều chương trình có sự đổi mới cả về phương thức lẫn nội dung thể hiện.Đặc biệt, việc triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, thời gian tới, ngành du lịch cần chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch , giúp lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu du lịch Việt Nam.