Xung quanh vay trả góp mua ô tô: Bất cập và kiến nghị
Tín dụng tiêu dùng: Cửa sẽ còn thêm rộng | |
Nhiều ngân hàng tập trung tín dụng tiêu dùng | |
Một góc nhìn mới với “vay chủ động” |
Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc một DN nhỏ tại Hà Đông, Hà Nội có nhu cầu mua trả góp một chiếc xe ô tô để tiện sử dụng trong công việc với đặc thù hay phải đi công tác xa của mình. Anh rất vui khi NH phê duyệt hồ sơ vay mua chiếc xe Fortuner đời 2017 theo hình thức trả góp, vừa giảm được số tiền đầu tư ban đầu, vừa tạo cơ hội giúp anh có đủ khả năng chi trả.
“Theo thông lệ, NH sẽ giữ đăng ký gốc của xe, tôi nhận xe và nhận giấy xác nhận vay mua trả góp có đóng dấu của NH để xe lưu thông. Thế mà giờ lại có chuyện đi xe không xuất trình được đăng ký gốc sẽ bị phạt. Mà mức phạt cũng khá nặng tới 300.000 đồng/lần. Xe mua trả góp thì nhanh cũng phải 5 - 7 năm mà phạt thế thì có mua cũng chẳng dám đi… Nên khi NH giục, đơn vị bán xe gọi mà tôi vẫn chưa dám ký”, anh Thủy tâm tư.
Băn khoăn chuyện giấy tờ gốc
Trước đó, ngày 31/5/2017, Bộ Công an ban hành công văn số 2916 khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của NH.
Quy định là vậy, nhưng các cán bộ NH tỏ ra khá lúng túng bởi điều này khác so với thực tế lâu nay là NH vẫn giữ giấy tờ gốc của người vay trả góp phương tiện. Nếu phải trả lại đăng ký bản gốc cho khách hàng mua ô tô trả góp thì NH giữ cái gì làm tài sản đảm bảo cho khoản vay?
Nhiều người vay trả góp mua ô tô để kinh doanh dịch vụ taxi, chạy xe vận tải… Tài sản của họ đều là tài sản hình thành trong tương lai (lợi nhuận từ dịch vụ chạy xe) chứ đâu có tài sản đảm bảo khác? Giờ nếu thực hiện việc giao bản chính giấy tờ xe cho bên thế chấp như quy định tại Nghị định 163 và yêu cầu của Bộ Công an thì các NH sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc đòi hỏi phải xuất trình giấy đăng ký phương tiện bản gốc là quá máy móc và hành chính |
Một cán bộ khối NH bán lẻ như đang “ngồi trên lửa” trước lo ngại khó quản lý tài sản đảm bảo khoản vay là xe trả góp. Bởi khi phương tiện giao thông đã được thế chấp cho tổ chức tín dụng nhưng khách hàng giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện thì họ vẫn có thể được chuyển nhượng, cho thuê, cầm đồ… mà tổ chức tín dụng không thể biết. Mặt khác, khách hàng không bị áp lực với phía NH nên việc NH kiểm tra tài sản đảm bảo định kỳ, theo dõi biến động của xe và quản lý tài sản đảm bảo khó có thể thực hiện được.
“Nhiều khách hàng đã vay trả góp mua xe giờ biết tin sẽ bị xử phạt thì đều gọi đến NH để nhờ hỗ trợ khiến chúng tôi rối như canh hẹ”, cán bộ NH nói trên cho biết.
Người mua lúng túng, NH bối rối, còn nhiều DN vận tải thì cũng “mắc”. Ông Đỗ Hoàng Tuấn, đại diện một DN vận tải ở Quảng Ninh cho biết 18 chiếc xe tải của ông bị xử lý lỗi quá tốc độ, hiện cũng đang bị giữ tại bãi xe hơn 10 ngày nay vì thiếu giấy đăng ký xe bản gốc.
Sau khi được cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình giấy đăng ký xe bản gốc, ông Tuấn đã liên hệ với chi nhánh NH nơi làm thủ tục vay mua xe trả góp để xin lại. Chi nhánh này lại phải gửi công văn lên hội sở xin bản gốc tại trung tâm lưu trữ hồ sơ... Dự kiến, việc trả lại giấy tờ gốc lên đến 15 - 20 ngày. Trong khi đó, một xe mất 500.000 đồng tiền bãi/ngày, chưa kể hàng hóa trên xe có thể bị ảnh hưởng, thời gian giao hàng chậm bị phạt... “Ước tính, DN chúng tôi mất hàng trăm triệu đồng”, ông Tuấn bức xúc.
Còn anh Nguyễn Minh Thành (Lê Văn Lương, Hà Nội) thì “chán hẳn” bởi garage của anh có liên kết với vài chi nhánh NH tại Thanh Xuân mở dịch vụ bán xe trả góp. Dịch vụ làm ăn khá tốt, lượng xe giao dịch mỗi tháng cũng cả chục chiếc. Thế mà hai tháng gần đây “tịt” luôn chỉ bởi quy định phải mang giấy tờ gốc theo xe nói trên. “Theo tôi, việc đòi hỏi phải xuất trình giấy đăng ký phương tiện bản gốc là quá máy móc và hành chính, bởi điều quan trọng là phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ theo quy định của pháp luật và được thể hiện đầy đủ qua các loại giấy tờ khác”, anh Thành nêu quan điểm.
NHNN đưa giải pháp
Với nhiều rủi ro và hệ lụy như vậy, có khả năng việc vay thế chấp bằng phương tiện giao thông sẽ khó mà triển khai tiếp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của người dân và DN. Trước tình hình này, ngày 12/7, NHNN đã gửi văn bản tới các Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tư pháp, dẫn một số quy định hiện hành để thông tin thêm về vấn đề này.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015: Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc này, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trong khi đó, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực…
Về vấn đề này, NHNN cho rằng do quy định về giữ giấy tờ của tài sản thế chấp tại Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 163 có nội dung khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định tại Bộ luật Dân sự được ưu tiên áp dụng.
NHNN khẳng định, trường hợp bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận để bên nhận thế chấp giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và 2005. Việc sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD vẫn đảm bảo mục đích kiểm soát của cơ quan công an trong quá trình phương tiện lưu thông; đồng thời đảm bảo được tính xác thực của tài sản đang được thế chấp tại TCTD…
Trên cơ sở đó, NHNN đề xuất Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163, Nghị định 11 theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ luật Dân dự 2015.
NHNN cũng kiến nghị ngành công an, thanh tra giao thông vận tải cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD.
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các TCTD và doanh nghiệp phản ánh về việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD nhận thế chấp khi tham gia giao thông. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi 3 Bộ: Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính. |