130 nhà lãnh đạo doanh nghiệp của 21 nền kinh tế APEC sẽ đến dự ABAC 2022 tại Việt Nam
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về ABAC III |
Sẽ có khoảng 130 nhà lãnh đạo doanh nghiệp của 21 nền kinh tế APEC sẽ đến Quảng Ninh, Việt Nam tham dự với chủ đề “Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo” (Embrace. Engage. Enable) - với mong muốn nắm bắt những cơ hội khi thế giới đã kết nối trở lại; kiến tạo thông qua hợp tác đưa ra những ý tưởng, sáng kiến; và tham gia vào chuyển đổi số, phát triển bao trùm và bền vững.
Trong số đại biểu đến Việt Nam, có lãnh đạo của các tập đoàn lớn hàng đầu khu vực và thế giới như Chủ tịch các Tập đoàn NEC, Marubeni, UPS, Acer... đồng thời còn có các lãnh đạo của các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư uy tín và có ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Việc đăng cai ABAC III sẽ giúp thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và là dịp để Việt Nam thể hiện là điểm sáng của đầu tư quốc tế trong thời kỳ “bình thường mới” với những chính sách đầu tư an toàn, cởi mở, hấp dẫn; kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả; đồng thời thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Sự kiện này cũng góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong ABAC nói riêng và APEC nói chung.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, ABAC III là sự kiện lớn và có ý nghĩa kinh tế - thương mại rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực. Những chủ đề được thảo luận trong Kỳ họp III là những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp khu vực đặc biệt quan tâm, hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Kỳ họp này của ABAC là sự kiện quan trọng để Hội đồng xây dựng báo cáo khuyến nghị của doanh nghiệp gửi lên các Bộ trưởng phụ trách Tài chính, các Bộ trưởng phụ trách Thương mại, các Thống đốc Ngân hàng, và Báo cáo thường niên của ABAC gửi Lãnh đạo APEC.
Bên cạnh đó, kỳ họp này cũng chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với ABAC sẽ diễn ra tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 vào tháng 11/2022 tại Thái Lan.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, đại diện Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn – 1 trong 3 thành viên ABAC Việt Nam cho biết, con số này sẽ chưa dừng lại, nhưng đây là con số khá lớn so với các kỳ họp trước của ABAC.
Với thông điệp xuyên suốt của Việt Nam lần này là khẳng định APEC tiếp tục là diễn đàn khu vực có tiếng nói, có vai trò thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác đa phương để vượt qua dịch COVID-19 và phục hồi nhanh chóng, phát triển bền vững nền kinh tế, tiếp tục là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
APEC đã đưa ra những biện pháp rất mới, cách tiếp cận mới trong việc phục hồi kinh tế như thúc đẩy nền kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tránh bị đứt gãy các chuỗi sản xuất.
Các sáng kiến của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn và quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và vượt qua đại dịch, được chia sẻ vaccine, tiếp cận công bằng với vaccine, vật tư y tế và nguồn lực.
Nhiều sáng kiến hợp tác mới đã được đề xuất nhằm tăng cường sự đồng bộ và thống nhất trong việc tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, cũng như các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong khi vẫn bảo đảm an toàn về y tế và sức khỏe.
“Nhờ vậy, du lịch, vận tải, hàng không, bán lẻ, thương mại xuyên biên giới dần sôi động trở lại nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, tiêm chủng vaccine, các gói hỗ trợ tài chính… tại nhiều nền kinh tế. Con số doanh nghiệp sẽ đến Việt Nam thể hiện rõ sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới Việt Nam. Đây cũng là điều chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm đối tác hợp tác làm ăn, kinh doanh”, bà Hương chia sẻ.
Ông Bùi Văn Khắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh diễn ra trong khuôn khổ ABAC III sẽ là cơ hội tốt để địa phương quảng bá 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người và văn hoá, cũng như những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh đến với các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức ABAC III trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải cố gắng phục hồi sau dịch COVID-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Qua sự kiện này, Việt Nam khẳng định được khả năng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, minh chứng cho sự ổn định và điểm sáng tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, góp phần thu hút hiệu quả hơn dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo dự kiến, sự kiện sẽ có sự tham dự và phát biểu khai mạc Kỳ họp vào sáng 27/7 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.