Bán hàng tiêu dùng trực tuyến dần lên ngôi
Gia tăng mua sắm trực tuyến cuối năm | |
Click cho tăng trưởng |
Ảnh minh họa |
Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam vừa công bố báo cáo tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (gồm các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, gia vị…).
Theo đó, thương mại điện tử hiện chiếm 4,6% tổng doanh thu và đóng góp đến 36% mức tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu. Và mức này sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội, với dự báo đến năm 2025, thị trường hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến sẽ có trị giá 170 tỷ USD và nắm giữ 10% thị phần.
Ông David Anjoubault, Tổng giám đốc của Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng lại có tiềm năng rất lớn, bởi vì tăng trưởng về giá trị của ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua thương mại điện tử đã đạt con số 69%.
Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử hàng tiêu dùng nhanh cao nhất trên thế giới. Thời điểm hiện tại chính là lúc quan trọng để các DN bán lẻ tham gia vào thị trường thương mại điện tử ngành hàng này.
Bởi các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới hiện nay đang dần chuyển dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến và tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh, để đạt được thành công và bảo vệ vị trí. Trên thế giới hiện có 6 quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử hàng tiêu dùng tốt nhất, là Trung Quốc và Hoa Kỳ, tiếp theo là Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản và Pháp.
Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng đang mở rộng và phát triển mạnh sang các thị trường mới, với mức tăng cao trong năm 2016 - 2017 như, Thái Lan tăng đến 104%, Malaysia tăng 88% và Việt Nam tăng 69%...
Hình thức kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến cũng phát triển theo hướng mới hơn (bắt đầu từ thị trường Hoa Kỳ), là mô hình “click and collect” (mua online và nhận hàng tại cửa hàng gần nhất), mô hình giao hàng tận nhà và đăng ký mua hàng định kỳ, cùng những mô hình mới đang tiếp tục phát triển trên thế giới. Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiếp tục là các thị trường dẫn đầu và châu Á nói chung vẫn là thị trường mũi nhọn của thế giới.
Riêng thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 0,5% lên 2,2% trong năm 2025, kết hợp với sự phát triển của kỹ thuật số. Trên thị trường bán lẻ, hiện đang diễn ra cuộc chiến tương sức giữa các nhà bán lẻ thuần với các nhà bán lẻ truyền thống có thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến.
Những kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống đang song song mang lại nhiều lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng. Các ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc em bé tiếp tục đứng đầu trong giỏ hàng mua sắm trực tuyến. Bởi những gia đình trẻ hiện không có nhiều thời gian cho mua sắm tại cửa hàng trực tiếp, họ chọn sự tiện lợi khi mua sắm trực tuyến.
Về phương tiện, người tiêu dùng hiện thông thạo về kỹ thuật số và họ luôn được kết nối, sẽ lướt xem sản phẩm trên mạng và so sánh giá cả, trước khi chọn mua sản phẩm. Riêng Việt Nam trong thời gian ba năm trở lại đây, các chỉ số chính về kinh tế rất tích cực, nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện, sản xuất nông nghiệp hồi phục, xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và bán lẻ tăng trưởng liên tục.
Điều này ảnh hưởng tốt đến sự tăng trưởng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở cả thành thị và nông thôn. Trong đó, các ngành hàng phi thực phẩm như khăn giấy hộp, nước giặt, nước rửa tay… tăng trưởng liên tục nhờ xu hướng tăng kênh mua sắm trực tuyến.
Đặc biệt, năm 2017 được đánh giá là năm thuận lợi của thị trường bán lẻ Việt Nam, sau nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) và tăng cường đầu tư nước ngoài. Các cửa hàng chuyên doanh tiếp tục mở rộng thị phần nhờ người mua gia tăng chi tiêu. Thậm chí ở thị trường nông thôn, kênh bán hàng trực tuyến cũng đang mở rộng hoạt động song song với tiệm tạp hóa.
DN kinh doanh trực tuyến tại nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đang đẩy mạnh khai thác thị trường thương mại điện tử Việt Nam như một “miền đất” mới, với tiềm năng lớn trong các nhóm hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và điện tử gia dụng…