Click cho tăng trưởng
Tập đoàn Alibaba mong muốn hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển TMĐT | |
Ai hưởng "miếng bánh" thanh toán điện tử? | |
Bán lẻ đa kênh - xu thế mới |
7 giờ sáng ngày thứ Hai đầu tuần, Mai Hồng - bà mẹ của hai con nhỏ - đặt nồi cơm lên bếp, hâm lại thức ăn cho bữa sáng dành cho 4 người. Trong lúc chờ cơm sôi, Hồng vào mạng đặt 3 cân thịt lợn gồm nạc vai, chân giò, sườn, thêm một ít rau cải, diếp xoăn… từ trang trại thực phẩm Bảo Châu Organic để dùng cho cả tuần tới. Chuyển khoản thanh toán cho đơn hàng vừa đặt, và cũng do là dịp đầu tháng, cô tiện thể trả tiền điện thoại, điện sinh hoạt, phí dịch vụ chung cư…
Hoạt cảnh như vậy có ở nhiều gia đình trẻ hiện nay, khi người vợ bận việc cơ quan và chăm sóc gia đình đang tìm đến các giao dịch thương mại điện tử để tối ưu hóa thời gian trong ngày. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, của internet và thanh toán trực tuyến, thay vì vội vã đi chợ sau tan ca, giờ đây mua sắm cho gia đình có thể được thực hiện khi họ thảnh thơi nằm đi-văng mỗi tối, hoặc tranh thủ lúc gác chân lên bàn giờ nghỉ trưa, hay thậm chí khi nhấm nháp ly cà phê trước khi đến công sở. Có trong tay điện thoại di động nối mạng, việc mua sắm thậm chí có thể thực hiện trong mọi lúc và ở mọi nơi.
Nhưng không chỉ có các bà nội trợ thấy được sự thuận tiện của thương mại điện tử như trên để rồi tiếp tục “miệt mài” click chuột mua sắm, các chính phủ cũng nhìn ra nhiều lợi ích từ việc thúc đẩy hoạt động này. Thông qua thương mại điện tử, các giao dịch có thể được lưu dữ liệu lại. Điều này giúp tăng tính minh bạch, qua đó có thể hạn chế tham nhũng và hành vi lừa đảo, đồng thời chống rửa tiền…
Với các DN, đương nhiên lợi ích là rất lớn. Thương mại điện tử giúp rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu dùng, kéo gần người mua và người bán, giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, buộc và nhà cung cấp phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ… Những lợi ích nói trên quay trở lại kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
“Xã hội phi tiền mặt đang tới rất gần…”, Jack Ma, ông chủ Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc tin ở điều này. Ông nói vậy khi tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) vừa được tổ chức tại Hà Nội hôm thứ Hai vừa rồi. Quan điểm đó cũng có cùng góc nhìn với một báo cáo mới được công ty nghiên cứu thị trường Nielsen phát hành. Với tựa đề “Điều tiếp theo trong thương mại điện tử”, báo cáo này nhấn mạnh những điểm thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu trực tuyến sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo đó, khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đầu tư để giải quyết nhiều rào cản hiện có đối với việc phát triển thương mại điện tử, chẳng hạn như chuỗi cung cấp, môi trường và các yếu tố văn hoá, cũng như các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng thẻ tín dụng và các hoạt động giao nhận, thì đó chính là những tiền đề cho việc tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên kênh thương mại điện tử.
“Trong khi tăng tưởng của tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh hiện đang ở mức khoảng 4% mỗi năm, thì tổng doanh số bán lẻ trên kênh thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng 20%, tương đương với 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020”, báo cáo của Nielsen dự báo.
Thị trường Việt Nam không nằm ngoài xu hướng quốc tế nói trên. Với 54% dân số Việt Nam có điện thoại di động, nhưng các giao dịch thương mại vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Điều này cho thấy cơ hội phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Một số dự báo cho rằng giao dịch qua kênh thương mại điện tử sẽ nhanh chóng thay đổi tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam, hiện dao động từ 11,5-14,7% (tỷ lệ ghi nhận vào tháng 8 và tháng 1/2017). Với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam thậm chí còn được cho là rất có sức hấp dẫn, quy mô có thể đạt 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, từ mức khoảng 4-5 tỷ USD hiện tại.
Điều này đặc biệt có lợi cho tăng trưởng, khi tiêu dùng cuối cùng đang là nhân tố chiếm tỷ trọng lớn và có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 quý đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,76 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 8,02 điểm phần trăm.
Và vì thế, khi mà những bà nội trợ như Mai Hồng tiếp tục tranh thủ thời gian rảnh lúc hâm bữa sáng cho gia đình để “đi chợ”, nền kinh tế có ngay được những cú huých sau từng cú click chuột.